Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở, dẫn tới doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến thời gian qua thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu trên thị trường có một số bất ổn cục bộ.
Phúc đáp công văn của Bộ Công Thương đề nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng giá xăng dầu đang được điều hành theo giá cơ sở. Song, giá cơ sở được xác định dựa trên các yếu tố hình thành giá tổng hợp từ các nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, nhập khẩu. Đây là căn cứ để cơ quan Nhà nước xác định giá điều hành (giá cơ sở trừ đi mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá) đồng thời là căn cứ quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước (riêng dầu madút là giá bán buôn).
[Bộ Tài chính: Thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là phù hợp]
Hơn nữa, xăng dầu là mặt hàng liên quan mật thiết tới an ninh năng lượng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Do đó, việc điều hành giá xăng dầu cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo động lực, điều kiện để phát triển kinh tế.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lựa chọn phương án tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có sở điều chỉnh kịp thời.
Điều này góp phần đảm bảo phát huy vai trò quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân, giá xăng dầu có sự thống nhất giữa các địa bàn.
Dự thảo tờ trình của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhận định chu kỳ điều hành giá 10 ngày như hiện nay cơ bản phù hợp và không phải là nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương cần có sự phân tích, đánh giá, kiểm tra thực tế để đề xuất chu kỳ điều hành phù hợp, tránh xảy ra hiện tượng như thời gian vừa qua.
Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho ý kiến việc quy định đại lý xăng dầu chỉ lấy hàng từ một nguồn có thể dẫn đến những khó khăn cho đại lý trong việc đảm bảo có đủ hàng để bán ra thị trường trong trường hợp nguồn cung xăng dầu khan hiếm như thời gian vừa qua. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép/không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc... của cơ quan quản lý Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt./.