Bo GTVT thong tin ve tien do trien khai thu phi khong dung hinh anh 1Các phương tiện giao thông qua Trạm thu phí không dừng ETC trên Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thông tin tại cuộc họp giao ban tháng 7/2022 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra  vào sáng 29/7, tại Hà Nội, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (Vụ PPP-Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tính đến nay có 113 trạm đã đủ điều kiện lắp đặt và triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng (ETC), trong đó có 69 trạm do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và 44 trạm do địa phương quản lý.

Riêng 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, hiện, 2 tuyến đã được vận hành hệ thống ETC, gồm cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.

Trong ngày 30/7, hệ thống ETC tiếp tục được triển khai tại cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và hoàn thành triển khai trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai vào ngày 1/8/2022.

"Việc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng đã được các đơn vị quản lý, vận hành cao tốc cam kết hoàn thành vào ngày 1/8/2022 theo đúng chỉ đạo," ông Lê Kim Thành cho hay.

Chia sẻ thêm về tình hình dán thẻ E-tag (thẻ ETC), theo ông Lê Kim Thành, hiện tại, số thẻ ETC đã được dán đạt khoảng 3,2 triệu thẻ trên hơn 4,3 triệu xe ôtô trên toàn quốc. Mục tiêu đặt ra đến ngày 1/8/2022, tỷ lệ dán thẻ ETC của phương tiện đạt từ 80-90%.

Đánh giá quá trình thực hiện triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng, lãnh đạo Vụ PPP cũng thừa nhận, do hệ thống ETC lần đầu tiên được thực hiện ở việt Nam, việc quản lý vận hành có sự tham gia của nhiều bên: ngân hàng, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động... cộng với thực trạng trước đó, các trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí một dừng nên quá trình chuyển đổi còn nhiều lúng túng, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện nên còn nhiều lúng túng. Tuy nhiên,  đến nay đã cơ bản được khắc phục.

[Không để xảy ra hiện tượng kích hoạt tài khoản thẻ thu phí ETC 'ảo']

"Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, khắc phục triệt để các lỗi kỹ thuật; đẩy mạnh tuyên truyền tăng tỷ lệ dán thẻ ETC. Đồng thời, đề nghị các đơn vị tổ chức quản lý và vận hành các tuyến quốc lộ duy trì 1 làn hỗn hợp/chiều xe chạy. Ở cao tốc, mặc dù việc thu phí tự động được triển khai 100%, song vẫn được bố trí làn hỗn hợp để phục vụ tình huống khẩn cấp. Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ rà soát, tham mưu sửa đổi quy định cần thiết để tạo tiền đề triển khai giai đoạn 2 (đơn làn tự do ETC dự kiến thực hiện từ năm 2024-2025) sau khi kết thúc giai đoạn 1 (đơn làn ETC có barrier)," đại diện Vụ PPP cho hay.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký công văn số 7745/BGTVT-ĐTCT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội; Công ty cổ phần Tasco; Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC liên quan đến xử lý một số bất cập cần khắc phục trong quá trình triển khai ETC.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, thời gian vừa qua trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc "xe bị tự động đăng ký sử dụng dịch vụ của Epass và cho rằng có hiện tượng chạy doanh số dán thẻ bất chấp mong muốn của chủ phương tiện, gây bức xúc, khó khăn cho các phương tiện khi muốn dán thẻ tham gia dịch vụ; xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền..."

Để hoàn thiện hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận tiện cho người tham gia giao thông, phát huy hiệu quả hệ thống, đáp ứng nhu cầu xã hội, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị:

Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội chỉ đạo Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam, Công ty cổ phần Tasco chỉ đạo Công ty TNHH Thu phí tự động VETC kiểm tra, rà soát các thông tin báo chí đã nêu để có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc nêu trên trước ngày 5/8.

Các nhà cung cấp dịch vụ chủ động rà soát, có giải pháp khắc phục ngay tồn tại bất cập nêu trên, hoàn thành trước ngày 5/8/2022. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống; tăng cường công tác phối hợp trong quá trình vận hành, khai thác, bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, kết nối, liên thông.

Đặc biệt các đơn vị có giải pháp để chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ (Etag hoặc Epass) đã dán thông qua việc tăng cường các điểm dịch vụ hoặc thực hiện online qua hệ thống Internet...

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các Nhà cung cấp dịch vụ khắc phục các tồn tại, vướng mắc nêu trên trước ngày 5/8/2022; có chế tài xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, quy định hợp đồng. Đồng thời, phối hợp với các Nhà cung cấp dịch vụ xây dựng giải pháp để tạo điều kiện cho chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ đã dán.../.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)