Bộ GTVT lên tiếng về đầu tư đường băng thứ 2 Sân bay Quốc tế Long Thành

14:50 - 28/08/2024

Sau khi Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đề xuất đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 Sân bay Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải đã có phản hồi về vấn đề này.

Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh ngày 2/9/2026. (Ảnh: TTXVN)
 
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh ngày 2/9/2026. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có ý kiến phản hồi Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) liên quan đến thủ tục đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 và san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 của Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Cần điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án

Về đề xuất đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015, bao gồm một số nội dung chính như: mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, thời gian và lộ trình thực hiện.

Theo đó, dự án được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn, trong đó quy mô đầu tư giai đoạn 1 “đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thàn và đưa vào khai thác”; giai đoạn 2 “tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở...”, trong đó theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt, phương án đầu tư thêm một đường cất hạ cánh này ở phía Nam của cảng.

 

“Việc đề xuất đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 của ACV ngay trong giai đoạn này là không phù hợp về thời điểm, vị trí đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư được Quốc hội quyết định tại chủ trương đầu tư của dự án," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

san bay long thanh 2702.jpg
Các nhà thầu đang huy động nguồn nhân lực, thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ Sân bay Quốc tế Long Thành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do vậy, nội dung đề xuất của ACV thuộc trường hợp thay đổi quy mô phân kỳ đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 nên cần phải thực hiện thủ tục trình, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Cụ thể là điều chỉnh nội dung tại khoản 6, Điều 2, Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015.

Trên cơ sở đó, phía Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án thành phần 3 của quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2019 để bổ sung hạng mục này.

Dùng vốn ACV để làm san nền khu vực Nhà ga hành khách T3

Đối với đề xuất san nền khu vực Nhà ga hành khách T3, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra ý kiến nội dung đề xuất không phải là quy mô đầu tư chính của dự án giai đoạn 1. Việc thực hiện hạng mục này tương tự như việc tập kết, đầm nén đất dư thừa giai đoạn 1 để phục vụ cho các giai đoạn tiếp theo ở phạm vi 722ha đất của giai đoạn 2.

“Việc bổ sung nội dung này không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư mà thuộc trường hợp điều chỉnh, bổ sung phạm vi đầu tư của giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2019,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Liên quan đến kiến nghị sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện hạng mục này, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy, theo nội dung hồ sơ trình phê duyệt đầu tư giai đoạn 1 của Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, ACV đã xây dựng kế hoạch kinh doanh, tích lũy nguồn tiền để thực hiện giai đoạn 2 của dự án (tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 48.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2028-2032) và định hướng cho giai đoạn 3; nội dung này đã được Bộ Giao thông Vận tải và ACV giải trình nhiều lần với Hội đồng thẩm định Nhà nước và các đại biểu Quốc hội.

 

Như vậy, ACV đã xác định tiếp tục là nhà đầu tư và khai thác Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành trong các giai đoạn tiếp theo. Việc đầu tư hạng mục san nền nhà ga hành khách T3 cũng nhằm mục đích tránh ảnh hưởng đến việc khai thác giai đoạn 1 của ACV và tạo thuận lợi để triển khai giai đoạn tiếp theo.

Mặt khác, hiện nay, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải không còn để bố trí thực hiện hạng mục này. Nếu thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 sẽ không bảo đảm tiến độ hoàn thành theo yêu cầu. Vì vậy, chủ thể thực hiện công tác san nền Nhà ga hành khách T3 nên được thực hiện bởi ACV để bảo đảm tính đồng bộ, cũng như tiến độ thực hiện.

vnp_nha ga san bay Long Thanh 2111.JPG
Nhà thầu thi công hạng mục nền nhà ga hành khách Sân bay Quốc tế Long Thành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên cơ sở phân tích nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị ACV rà soát, cập nhật lại tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 3 để nghiên cứu, bổ sung các hạng mục nêu trên (đường cất hạ cánh số 2, san nền Nhà ga hành khách T3) do ACV là chủ đầu tư để bảo đảm thuận lợi trong thủ tục, nguồn vốn, tiến độ đầu tư.

Trường hợp vượt quá tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3, ACV báo cáo và xin ý kiến thống nhất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ sở trình thẩm định, phê duyệt bổ sung.

Do đặc thù của dự án này, để thực hiện thủ tục trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư bổ sung đường cất hạ cánh thứ 2 đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Giao thông Vận tải giao Vụ Kế hoạch-Đầu tư chủ trì, phối hợp với ACV trao đổi, làm việc với các đơn vị chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất trình tự thực hiện; trường hợp cần thiết, tham mưu bộ có văn bản xin ý kiến hướng dẫn chính thức thủ tục này./.

Nguồn: Bộ GTVT lên tiếng về đầu tư đường băng thứ 2 Sân bay Quốc tế Long Thành | Vietnam+ (VietnamPlus)