Bộ GTVT: Không để phát sinh khoảng trống trong quản lý đường bộ
06:02 - 18/09/2023
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Đường bộ Việt Nam; các Khu quản lý đường bộ I, II, III, IV; Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý nhà nước đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Địa phương cần phát hiện và xử phạt kịp thời
Theo Bộ GTVT, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật, hướng tới hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo chức năng nhiệm vụ.
Trên cơ sở kết quả và biên bản kiểm tra, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền địa phương cấp huyện, xã và lực lượng chức năng của địa phương (CSGT, Thanh tra GTVT) tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trên tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, tổ chức thực hiện và quản lý theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 11/2010 ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định 100/2013, Nghị định 117/2021) và các Thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Trong đó, chính quyền cấp cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT, Khu Quản lý đường bộ để phát hiện và xử phạt kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ; xử lý nghiêm đối với các vi phạm đã được các cơ quan, đơn vị của ngành giao thông phát hiện, lập biên bản vi phạm. Đồng thời tăng cường tổ chức tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ đất dành cho đường bộ và phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ theo quy định.
Bộ GTVT đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý về đất đai, tài nguyên của địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ngành GTVT trong quản lý đất đai nơi có tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua, bảo đảm sự đồng bộ trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông với quản lý, sở hữu đất đai, cơ sở hạ tầng của địa phương.
Đối với việc đấu nối trên quốc lộ, Bộ GTVT đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở GTVT rà soát lại các điểm đấu nối trên quốc lộ để ban hành quyết định phê duyệt điểm đấu nối (trước đây là quy hoạch điểm đấu nối) theo quy định tại Thông tư 39/2021 của Bộ GTVT.
"Trường hợp phát hiện điểm đấu nối chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, UBND các địa phương cần chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết đóng ngay các điểm đấu nối để đảm bảo ATGT."
Theo đánh giá của Bộ GTVT, công tác quản lý xe quá tải, tình trạng hoán cải, cơi nới thành thùng xe đã được các địa phương chấn chỉnh và có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe quá tải tham gia giao thông trên một số tuyến đường bộ qua địa bàn địa phương. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ công trình đường bộ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
UBND các địa phương cần chỉ đạo chính quyền địa phương cấp huyện, xã và lực lượng chức năng của địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT, Khu Quản lý đường bộ, doanh nhiệp dự án BOT, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xử lý nghiêm tình trạng người dân vi phạm hành lang an toàn lên bắt xe khách trên đường cao tốc. Đồng thời rà soát, xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vận tải tại địa phương vi phạm quy định về dừng, đỗ trên đường cao tốc.
Bộ GTVT yêu cầu xử nghiêm các hành vi vi phạm đón trả khách, chở quá tải trái quy định pháp luật
Không để phát sinh khoảng trống trong quản lý
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư), quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình liên quan đến công tác quản lý, vận hành khai thác, bảo trì công trình đường bộ (bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ GTVT ban hành hoặc tham mưu ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật do bộ, ngành khác ban hành, tham mưu ban hành), tham mưu, đề xuất Bộ GTVT bổ sung, sửa đổi, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đảm bảo đồng bộ vào thời điểm phù hợp theo quy định.
"Đối với các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc thẩm quyền, tham mưu Bộ GTVT đề nghị các bộ quản lý chuyên ngành chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả thi hành pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ", Bộ GTVT nêu rõ.
Đồng thời, Cục Đường bộ Việt Nam cần rà soát nội dung đang phân cấp cho các khu quản lý đường bộ, sở GTVT, các đơn vị trực thuộc nhằm bảo đảm việc phân cấp nhiệm vụ được chặt chẽ, đồng bộ, nâng cao hơn nữa hiệu quả của phân cấp trong quản lý nhà nước đối với quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, không phát sinh khoảng trống trong quản lý.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về công nghệ, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 877/2022 phê duyệt đề án xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để triển khai thu thập, cập nhật, số hóa số liệu hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác lập kế hoạch sửa chữa bảo trì đường bộ từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hoạt động đường bộ.
Đối với xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, khắc phục hậu quả bão lũ bước 1, Cục Đường bộ Việt Nam cần chỉ đạo các khu Quản lý đường bộ, sở GTVT tiếp tục rà soát, bảo đảm hồ sơ đầy đủ, hoàn chỉnh theo quy định của Bộ GTVT tại các Thông tư 26/2012, Thông tư 03/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 22/2023). Đồng thời tổng kết đánh giá việc thực hiện các nội dung này để tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đảm bảo việc thực hiện được chặt chẽ và kịp thời hơn nữa trong khắc phục hậu quả bão lụt và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trong giai đoạn hiện nay.
Cục Đường bộ Việt Nam cần tổ chức rà soát công trình ATGT trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc; trường hợp phát hiện hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ gây mất ATGT, triển khai xây dựng nhu cầu và kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch, kinh phí xử lý theo quy định, bảo đảm tiến tới đồng bộ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ.
Xử nghiêm hành vi lấn chiếm, rà soát tổng thể điểm đấu nối
Đối với các khu quản lý đường bộ, sở GTVT các địa phương, Bộ GTVT yêu cầu tổ chức nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hoạt động công vụ; xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ thuộc phạm vi quản lý.
Các khu quản lý đường bộ, sở GTVT cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm quy định về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ; phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ, xử lý điểm đấu nối trái phép; thường xuyên theo dõi kết quả xử lý; đôn đốc, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.
Các sở GTVT có trách nhiệm tham mưu UBND cấp tỉnh rà soát lại tổng thể điểm đấu nối, trường hợp cần thiết, thực hiện điều chỉnh, bổ sung điểm đấu nối mới hoặc loại bỏ bớt điểm đấu nối có nguy cơ gây mất ATGT, không còn phù hợp với thực tế hiện trường, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Cùng với đó là tăng cường các giải pháp quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo dưỡng thường xuyên; rà soát, phát hiện kịp thời các tồn tại, hạn chế để khắc phục ngay trong quá trình triển khai các dự án sửa chữa công trình đường bộ, nhằm bảo đảm chất lượng công trình khi đưa vào khai thác. Thông qua việc kiểm tra, theo dõi tình trạng khai thác (kiểm định nếu cần thiết) các công trình đường bộ trên hệ thống quốc lộ, có biện pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện việc phòng ngừa nguy cơ mất an toàn công trình cầu, hầm. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu tiên tiến để làm tăng hiệu quả, chất lượng bảo trì đường bộ trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam.
Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT trước ngày 1/10/2023.