Bộ GTVT đặt mục tiêu giảm 5,9% lượng phát thải khí nhà kính trong 5 năm tới
14:12 - 01/11/2024
Bộ GTVT vừa ban hành Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT đến năm 2030.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo "Đóng góp không điều kiện" trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Đến năm 2030, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính theo "Đóng góp không điều kiện" trong GTVT sẽ giảm 5,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU), tương ứng giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ trong toàn giai đoạn.
Cụ thể, năm 2025 giảm 3,4 triệu tấn CO2tđ; năm 2030 giảm 10,61 triệu tấn CO2tđ; giai đoạn đến năm 2030 giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ.
Theo Bộ GTVT, kịch bản BAU được xây dựng dựa trên thông tin về các hoạt động vận tải và các giả định kinh tế vĩ mô. Năm 2014 được chọn là năm cơ sở để xác định kịch bản BAU, phù hợp với năm cơ sở xây dựng báo cáo NDC 2022. Số liệu hoạt động vận tải năm 2014 được thu thập và tổng hợp từ các nguồn số liệu đã công bố của Bộ GTVT và các cơ quan liên quan. Hệ số phát thải được áp dụng khi xây dựng kịch bản BAU chủ yếu là hệ số mặc định của IPCC 2006.
Kịch bản BAU trong GTVT được xây dựng theo cách tiếp cận từ dưới lên. Mô hình EFECT (khung dự báo năng lượng và công cụ đồng thuận về phát thải) được sử dụng để xây dựng BAU và kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho ngành GTVT.
Kịch bản BAU của ngành GTVT là cơ sở để xây dựng các biện pháp. Xác định tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp của ngành GTVT vào lĩnh vực năng lượng trong NDC của Việt Nam.
Theo NDC 2022, việc thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo "Đóng góp không điều kiện" trong GTVT dự kiến góp phần giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ tích lũy trong giai đoạn 2021 - 2030.
Các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong GTVT theo "Đóng góp không điều kiện" gồm: Biện pháp E17 giới hạn mức tiêu thu nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; Biện pháp E18 chuyển đổi phương thức vận tải hành khách từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng; Biện pháp E19 chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt…
Cùng với đó là Biện pháp E20 chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường thủy nội địa và ven biển; Biện pháp E21 sử dụng xe buýt CNG; Biện pháp E22 tăng hệ số tải của ô tô tải; Biện pháp E23 khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học; Biện pháp E24 và E25 sử dụng xe máy điện và ô tô điện; Biện pháp E26 sử dụng xe buýt điện.
Nổi bật trong yêu cầu đối với toàn ngành GTVT, Bộ GTVT yêu cầu các cục quản lý chuyên ngành chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh trong GTVT; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch nhằm khuyến khích chuyển dịch phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải ven biển.
Đồng thời phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, kịp thời, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng xanh, xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông và các nhiệm vụ khác nhằm thực hiện kế hoạch giảm nhẹ;…
Đồng thời tham gia triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp về trách nhiệm và lợi ích của giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT tổ chức rà soát, nghiên cứu, tổng hợp các hoạt động có tiềm năng tạo tín chỉ carbon trong các lĩnh vực của ngành GTVT…