Sáng 15/3, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Các đại biểu rất quan tâm dự án đường Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo các tỉnh thành Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Được biết, dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có quy mô (giai đoạn 1) 4 làn xe hạn chế; mặt cắt ngang 17m; tổng chiều dài khoảng 109,5km; tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tại Km15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào Quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ). Điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Dự án gồm 2 thành phần: đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài 72,8km, vốn 17.485 tỷ đồng. Thời gian thực hiện, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành cơ bản năm 2025.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho hay, với tính chất của dự án cao tốc Bắc – Nam, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu triển khai đảm bảo tiến độ đến năm 2025 cơ bản hoàn thành.
Ông Lâm yêu cầu các công đoạn như hoàn thành hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất; lập, thẩm định, phê duyệt khu chính sách GPMB; ĐTM; lấy ý kiến cộng đồng… Tất cả phải xong trước ngày 30/6/2022 để phê duyệt dự án đầu tư.
Theo ông Lâm, dự án cơ bản tránh được các khu dân cư, chủ yếu đi qua vùng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn là việc xử lý nền đất yếu đòi hỏi nhiều thời gian, cần lựa chọn giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó là nhu cầu lớn về vật liệu…
“Tiến độ rất gấp, công việc rất nhiều, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết các hồ sơ liên quan, tạo điểu kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ chung…” – Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, dự án có vai trò rất quan trọng, kết nối các trung tâm kinh tế, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ qua nhiều địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của toàn vùng ĐBSCL.
Hậu Giang đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó có cập nhật dự án này vào quy hoạch, đồng thời, đã thành lập ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo. Đồng thời, đã giao Sở TN&MT cung cấp số liệu diện tích chuyển đất trồng lúa 2 vụ, đã gửi về Ban QLDA Mỹ Thuận. Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư để thực hiện công tác bồi thường, tái định cư. Giao các huyện có dự án đi qua phối hợp tối đa thực hiện tốt công tác GPMB…
Ngoài ra, ông Thanh cũng kiến nghị Bộ GTVT bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng các khu tái định cư vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án, đưa vào các khung chính sách để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nút thắt về tiến độ hoàn thành dự án. Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan với mục tiêu yêu cầu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong Quý II/2023.
Trước đó, Tại kỳ họp ngày 11/01/2022, Quốc Hội đã xem xét thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và ban hành Nghị quyết số 44/2022/QH15. Theo đó có 12 dự án được đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) với tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố[1], với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng heo hình thức đầu tư công, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; Ngày 11/02/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc Hội, trong đó Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư.
Để có được kết quả bước đầu như vậy , các cơ quan tham mưu của Bộ, các ban QLDA, các đơn vị tư vấn đã có những cố gắng, sáng tạo, quyết tâm cao, làm việc ngày đêm, chỉ trong thời gian ngắn sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo thủ tục, hồ sơ cần thiết đạt chất lượng theo đúng quy định của pháp luật để bàn giao cho địa phương.