Sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật này. Tại các tổ, nhiều vấn đề liên quan tới những nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được các đại biểu đưa ra phân tích, đánh giá sâu.
“Thủ tục chuyển tuyến đã dễ dàng hơn”
Thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) về dự thảo Luật bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan điểm hoàn toàn đồng ý với việc thông tuyến toàn quốc, không giới hạn địa bàn tham gia bảo hiểm y tế, người có thẻ bảo hiểm y tế có thể khám bệnh ở cơ sở y tế ban đầu (cấp cơ bản) ở bất kì đâu trong đất nước, không phụ thuộc vào nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế theo quy định. Chẳng hạn như việc đăng ký chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội nhưng đi công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có thể khám bệnh ban đầu và được thanh toán đầy đủ theo quy định.
Theo đó, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế khám bệnh, chữa bệnh bất kỳ cơ sở nào thuộc phân cấp ban đầu, cấp cơ bản thì được được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng của thẻ, kể cả nội, ngoại trú
Về việc nhiều ý kiến đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong bảo hiểm y tế, ông Thức cho hay theo ý kiến của nhiều giám đốc bệnh viện cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến khi khám ban đầu ở cấp cơ sở, nhưng khi chuyển từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu thì cần có giấy chuyển tuyến.
Theo ông Thức, nếu bỏ giấy chuyển tuyến sẽ xảy ra tình trạng bệnh nhân sẽ ồ ạt lên bệnh viện tuyến chuyên sâu để khám, chữa bệnh mà không khám ở tuyến cơ sở, ban đầu. Người bệnh bảo hiểm y tế ở khắp nơi cứ dồn lên Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế…, Đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng chỉ cần 1-2 năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở vì tuyến cơ sở sẽ không có bệnh nhân và không có kinh phí để trang trải hoạt động. Điều này sẽ đi ngược với chủ trương phát triển hệ thống y tế cơ sở.
Cùng với đó, nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân ùn ùn đổ về tuyến chuyên sâu, thì với áp lực bệnh nhân như vậy thì bác sỹ sẽ phải mổ rất nhiều, từ đó sẽ có rất nhiều rủi ro. Đó là việc một bác sỹ nếu trước kia khám 20 bệnh nhân/ngày, nếu bỏ chuyển tuyến, có thể khám tới 200 bệnh nhân.
Vì vậy đại biểu Thức đề nghị sửa đổi khoản 3 điều 27 và khoản 3, điều 28 Dự thảo Luật. Theo đó, khi người bệnh chuyển từ cơ sở khám chữa bệnh bệnh này đến cơ sở khám chữa bệnh khác để khám chữa bệnh thì luôn luôn cần phải có giấy chuyển tuyến.
Giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh tóm tắt thông tin khám chữa bệnh của bệnh nhân: bị bệnh gì, dùng thuốc gì. Do đó giấy này rất quan trọng với bác sỹ ở tuyến chuyên sâu. Theo ông Thức, đây là yêu cầu gần như bắt buộc về chuyên môn, có lợi cho bệnh nhân. Cụ thể, chuyển thông tin mà bệnh viện trước đó đã thực hiện gì cho bệnh nhân rồi để bệnh viện sau không phải lập lại những gì đã làm vừa mất thời gian và tốn kém chi phí không đáng có. Người bệnh không có nghiệp vụ cũng như kiến thức sâu về y khoa nên không thể chuyển tải thông tin đầy đủ đến cho những bác sỹ khám sau đó.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức thẳng thắn, lý do trước đây khi xin giấy chuyển tuyến, người bệnh gặp khó khăn là do các bệnh viện bị khống chế bảo hiểm y tế. Trước đây, mỗi năm ngành bảo hiểm giao cho bệnh viện một khoản tiền nhất định. Khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nếu bệnh viện tuyến trên chi bao nhiêu tiền cho một bệnh nhân thì bệnh viện tuyến dưới phải chịu. Đó là lý do các bệnh viện khó khăn khi làm thủ tục chuyển tuyến. Tuy nhiên quy định này đã bỏ được 2 năm, nên thủ tục chuyển tuyến đã dễ dàng hơn.
Cần làm rõ 3 tuyến khám chữa bệnh
Thảo luận tại tổ của đoàn Hà Nội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế chiều 24/10, Phó Trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho hay tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nước ta hiện khá cao, trong đó, tại Hà Nội chiếm 94,5%. Những năm gần đây, hầu như người dân nào đi khám chữa bệnh cũng xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Đặc biệt với những người nghèo, bệnh ung thư, chạy thận... rất cần thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm: “Luật lần này mới sửa đổi 1 số điều, chứ chưa sửa toàn diện, tôi đề nghị đánh giá việc thi hành Luật và đưa vào sửa đổi toàn diện.”
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, về cấp khám chữa bệnh, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh có 3 cấp, nhưng Dự thảo Luật vẫn mang nặng chuyển tuyến. Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, từ 1/1/2025, sẽ có 3 tuyến khám chữa bệnh, nhưng nội dung này trong Dự Luật tương đối mờ nhạt, chưa tích hợp được với Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, phải có giải pháp để người dân biết mình sẽ khám bệnh, chữa bệnh ở cơ sở nào, tạo trật tự khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh biết mình đang ở cấp nào để phục vụ người dân.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn thành phố Hà Nội cho rằng vấn đề chuyển tuyến hiện đang là bất cập, dù đã có nhiều thay đổi, trong khi quyền, sự chủ động của người có thẻ bảo hiểm y tế chưa được hình thành rõ.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, không nên coi việc khám chữa bệnh theo tuyến bảo hiểm là biện pháp chống quá tải cho hệ thống y tế, mà phải tổ chức lại hệ thống y tế làm sao người dân có thể đến nơi khám, chữa bệnh nhanh nhất, đầy đủ nhất, có thầy giỏi, thuốc tốt để bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng bảo hiểm y tế. Dự thảo Luật sửa đổi 4 nhóm chính sách: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các luật liên quan; điều chỉnh phạm vi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế liên quan trong từng cấp khám chữa bệnh; phân bổ, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
“Tôi đánh giá cao Chính phủ đã chuẩn bị sửa 4 chính sách này, đặc biệt là chính sách điều chỉnh phạm vi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng. Nếu làm được điều này quá tốt. Thứ hai là điều chỉnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh,” đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng đặt vấn đề, tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao tại các cơ sở y tế và xử lý như thế nào khi người dân có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đi khám chữa bệnh lại chưa có thuốc, vật tư tiêu hao đang được người dân rất quan tâm. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư, quy định về thanh toán chi phí thuốc, trang thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế, mong các nội dung quy định tại thông tư, sẽ được quy định về nguyên tắc tại Luật để triển khai đồng bộ. Cần phải có quy định rõ ràng, minh bạch, thống nhất, đồng bộ về việc này; tạo thuận tiện cho người dân và dễ hiểu cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh./.
Nguồn: Bỏ giấy chuyển tuyến có nguy cơ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở | Vietnam+ (VietnamPlus)