Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị các trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đương nhiên phải đảm bảo sự hài hòa về quyền tự chủ của các trường.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết tại buổi họp báo chiều ngày 28/6, sau khi Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp
Phát biểu tại họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục Huỳnh Văn Chương, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia cho hay kỳ thi thực hiện ba mục tiêu: xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; đánh giá chất lượng giáo dục trên diện rộng và từ đó có chiến lược cho từng vùng miền, nhất là với các vùng miền còn nhiều khó khăn; thứ ba là xét tuyển vào đại học.
Cũng theo ông Chương, kết quả thống kê cho thấy khoảng 45-60% chỉ tiêu xét tuyển vào đại học vẫn sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm của Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Đề thi ngày càng hướng tới đánh giá năng lực người học, có sự phân hoá cao. Theo đó các trường đại học hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển,” ông Chương nói.
Theo thông tin từ Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có hơn 20 phương thức xét tuyển khác nhau được các trường đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào. Kết quả tuyển sinh năm 2023 cho thấy kết quả thi tốt nghiệp vẫn là phương thức chiếm tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất.
Tuy nhiên, xu hướng tuyển sinh của các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tốp trên đang ngày càng giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này.
Mới đây nhất, ngày 27/6, Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố phương thức xét tuyển đại học năm 2025 của trường, theo đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chỉ còn 15%. Theo đó, trong vòng 5 năm gần đây, tỷ lệ chỉ tiêu trường dành cho phương thức xét tuyển này đã giảm rất mạnh, từ hơn 70% xuống còn 15%.
Đây cũng là xu hướng của nhiều trường khác như Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, hay cả trường tốp giữa Đại học Giao thông vận tải. Nguyên nhân của điều này, theo lãnh đạo các trường, do đề thi Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông hướng đến mục tiêu chính là xét tốt nghiệp và đã giảm độ phân hóa so với trước đây.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ can thiệp chỉ tiêu?
Việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và thí sinh trúng tuyển sớm trước khi diễn ra Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông đã giúp làm giảm áp lực của kỳ thi đối với thí sinh. “Em đã trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương bằng phương thức khác nên kỳ thi này với em rất nhẹ nhàng,” Vũ Thu Phương, học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức chia sẻ. Cũng theo Phương, khoảng 50% học sinh trong lớp em đã trúng tuyển sớm vào các ngành học mong muốn.
Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra vấn đề vai trò của kỳ thi với mục tiêu thứ ba của Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông là lấy kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và toàn ngành giáo dục đã và đang thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới kiểm tra, đánh giá với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Các trường đại học thực hiện tự chủ tuyển sinh và hiện vẫn có khoảng 65% chỉ tiêu tuyển sinh được xét tuyển từ điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, giúp giảm tốn kém cho xã hội, đặc biệt là giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không có điều kiện đi lại hay tham gia vào nhiều cuộc thi khác nhưng vẫn có cơ hội xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng cho hay: “Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có yêu cầu các trường đại học tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, đương nhiên phải đảm bảo sự hài hoà về quyền tự chủ của các trường"./.