Bộ Công thương lỏng lẻo trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu
13:13 - 05/01/2024
Nội dung này được Thanh tra Chính phủ nêu rõ trong Kết luận thanh tra ban hành mới đây.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Đáng chú ý, tại văn bản này TTCP nêu rõ: Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là yếu tố “Đầu vào” của các hoạt động sản xuất kinh doanh; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
TTCP nêu rõ: Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính... (Ảnh Quang Vũ)
Hàng năm, thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 18.5 đến 20,5 triệu tấn xăng dầu (xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng không 14,3 triệu tấn), nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, có xu hướng tăng dần.
Tại thời điểm thanh tra, số lượng các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc đang hoạt động có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (3/41 thương nhân kinh doanh xăng dầu bị thu hồi giấy phép); 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu; 341 thương nhân phân phối xăng dầu (6/347 thương nhân phân phối bị thu hồi Giấy xác nhận); 18 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; 312 đại lý kinh doanh xăng dầu; 17449 cửa hàng bán lẻ xăng dầu,…
Trong khi đó, đối với công tác áp dụng biện pháp lập Quỹ bình ổn giá thường xuyên, liên tục, chưa theo Luật Giá; cơ quan quản lý Quỹ BOG còn đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý Quỹ BOG, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ BOG, việc quản lý Quỹ BOG chưa đảm bảo chặt chẽ.
Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ BOG phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng.
Điều này dẫn đến, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ BOG với số tiền là 7.927 tỷ đồng.
TTCP cũng nêu rõ: "...Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, dẫn đến nhiều vi phạm chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời". (Ảnh Quang Vũ)
Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2021, khi kết thúc năm tài chính, các đầu mối xăng dầu, các ngân hàng thương mại nơi các thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ BOG không gửi sao kê về Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo quy định... Điều này dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước không nắm rõ về số dư đầu kỳ, số trích lập, số sử dụng, phần lãi phát sinh, số dư Quỹ BOG.
Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo thẩm quyền đối với các DN đã bị Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần. Điều đó khiến Quỹ BOG liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích bình ổn giá xăng dầu.
Liên quan đến vụ án Xuyên Việt Oil, cơ quan Công an đã khởi tố Thứ trưởng Bộ Công Thương; Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Bộ Công Thương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cùng nữ Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil.
Bên cạnh đó, hệ thống kinh doanh xăng dầu phức tạp, nhiều bất cập, làm tăng các chi phí trung gian. Một số thương nhân đầu mối vi phạm pháp luật, chưa thực hiện hết nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước. Thương nhân phân phối nhiều nhưng quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, năng lực còn thiếu.
Tuy nhiên chưa có biện pháp quản lý, xử lý hiệu quả cả về quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phâm xăng dầu Việt Nam; việc dự trữ xăng dầu quốc gia; việc cấp giấy phép và giấy xác nhận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG); về quản lý điều hành giá xăng dầu; việc dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường;…
Bên cạnh đó còn có một số vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu như: Việc sản xuất, nhập khẩu xăng dầu; việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao; việc thực hiện kinh doanh xăng dầu đầu mối; việc mua bán xăng dầu, xuất hóa đơn không tuân thủ chế độ kế toán và quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng,…
Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Trong đó nêu rõ: "Về kiểm tra, giám sát xử lý các vi phạm: Nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra thường xuyên, trong nhiều năm nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, dẫn đến nhiều vi phạm chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời".
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.