Bộ Công Thương đảm bảo mục tiêu kép trong điều hành xuất khẩu gạo

12:10 - 27/05/2024

Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công Thương đề xuất sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Vận chuyển gạo xuất khẩu bằng đường sông. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
 
 
Vận chuyển gạo xuất khẩu bằng đường sông. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo.

Về hỗ trợ xuất khẩu

Bộ sẽ triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các văn phòng xúc tiến thương mại, trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo thiết lập các kênh phân phối trực tiếp; triển khai hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.

 

Mặt khác, Bộ cũng yêu cầu hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi và cập nhật chính sách, động thái của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo; kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.

ttxvn_tien_giang_day_manh_xay_xat_xuat_khau_gao 1.jpg
Đóng gói gạo xuất khẩu tại Nhà máy xay xát Tân Long, thị xã Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiến hành hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.

Về cân đối cung cầu

Việc bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo cung cầu mặt hàng gạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Đặc biệt, chú trọng việc đôn đốc Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, bao gồm việc báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; tình hình thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa và duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định.

Bộ Công Thương cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát, kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường trong nước.

ttxvn_1105_xuat khau gao (2).jpg
Đóng gói gạo tại Nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lương thực Thoại Sơn thuộc Tập đoàn Lộc Trời. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý 1 năm nay, xuất khẩu gạo đạt 2,18 triệu tấn, tăng 17,8% về lượng; trị giá đạt 1,43 tỷ USD, tăng 45,6% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân 653,9 USD/tấn, tăng 23,6% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường chính của xuất khẩu gạo trong quý 1 vừa qua có: Philippines (trên 1,01 triệu tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái); Indonesia (trên 445 nghìn tấn, tăng 199,7%); Malaysia (gần 99 nghìn tấn, tăng 28,8%).

Điều hành xuất khẩu gạo

Để đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước và Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 về đẩy mạnh hoạt động triển khai thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Theo dự báo từ đại diện các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, trong các tháng tiếp theo của năm nay, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục sôi động và đạt được một số kết quả tích cực như các nước nhập khẩu gạo tiếp tục tăng, giá bán cao...

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp vẫn cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn.

Đồng thời, quan sát và tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia, khu vực khác ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm nay./.

Nguồn: Bộ Công Thương đảm bảo mục tiêu kép trong điều hành xuất khẩu gạo | Vietnam+ (VietnamPlus)