Bloomberg News: Fed tim cach ngan chan cac vu pha san tuong tu SVB hinh anh 1SVB trở thành ngân hàng lớn nhất phá sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. (Nguồn: Getty Images)

Hãng tin Bloomberg News ngày 12/3 dẫn các nguồn tin thân cận cho biết Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc nới lỏng các điều khoản, cho phép các ngân hàng tiếp cận cửa sổ chiết khấu (là một công cụ cho vay của ngân hàng trung ương nhằm giúp các ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn) nhằm ngăn chặn vụ sụp đổ khác tương tự ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).

Động thái này sẽ nâng cao năng lực của các ngân hàng trong việc đáp ứng các yêu cầu rút tiền của người gửi tiền mà không phải bù lỗ bằng cách bán trái phiếu và các tài sản khác, vốn đã giảm giá trị trong bối cảnh lãi suất tăng.

Các nguồn tin cho hay một số ngân hàng đã bắt đầu sử dụng cửa sổ chiết khấu vào ngày 10/3, nhằm tìm cách tăng cường thanh khoản sau khi các nhà chức trách tịch thu các tài sản còn lại của ngân hàng SVB, đồng thời cho biết thêm rằng không rõ có bao nhiêu ngân hàng đã làm như vậy.

[Ngành ngân hàng Mỹ choáng váng vì sự sụp đổ của Silicon Valley Bank]

SVB đã trở thành ngân hàng lớn nhất phá sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trong bối cảnh ngân hàng này cố gắng huy động vốn để bù đắp cho các khoản tiền gửi lần lượt được rút ra, khi mà giá trị giá trị bị “bốc hơi” 1,8 tỷ USD do ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất của Fed.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ liên bang sẽ không bảo lãnh cho SVB, nhưng sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ những người gửi tiền.

 

Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) chỉ bảo hiểm khoản tiền gửi 250.000 USD, song nhiều công ty và những người giàu có nhiều hơn số tiền trên trong tài khoản của mình. Có quan ngại rằng một số lao động trên cả nước sẽ không nhận được tiền lương.

Không có kế hoạch nào được công bố vào chiều ngày 12/3 khi còn nhiều giờ nữa cho đến khi thị trường châu Á mở cửa. Nhiều người hy vọng SVB sẽ sớm được mua lại./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)