Bien doi khi hau khien bao ngay cang manh va gay thiet hai lon hon hinh anh 1Cảnh tàn phá sau bão Ian tại Fort Myers, Florida, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo các nhà khí hậu học và chuyên gia thời tiết, biến đổi khí hậu không làm gia tăng tần suất xảy ra các cơn bão nhưng khiến hình thái thời tiết cực đoan này gia tăng cường độ và mức độ tàn phá.

Cyclone để chỉ các cơn bão hình thành ở Ấn Độ Dương, hay còn gọi là xoáy thuận. Hurricane chỉ bão nhiệt đới hình thành ở Bắc Đại Tây Dương trong khi typhoon dùng để mô tả bão ở Thái Bình Dương.

Những hiện tượng tự nhiên này được đặt tên khác nhau nhưng đều là những cơn bão nhiệt đới cực mạnh, có thể tạo năng lượng lớn gấp 10 lần quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Bão nhiệt đới được phân loại theo cường độ gió, tăng từ áp thấp nhiệt đới có vận tốc dưới 63km/h lên bão nhiệt đới (63-117 km/h) cho tới bão cực mạnh với vận tốc trên 117km/h.

Chuyên gia Emmanuel Cloppet thuộc Cơ quan Khí tượng Pháp (Meteo France) cho biết xoáy thuận là một rãnh áp suất thấp hình thành ở vùng nhiệt đới trong khu vực đủ nóng để hiện tượng thời tiết này phát triển.

Đặc trưng của dạng bão này là các đám mây gây mưa/bão xoay tròn, tạo các đợt gió mạnh và mưa lớn, đồng thời khiến nước biển dâng cao. Xoáy thuận trở nên nguy hiểm hơn bởi chúng có khả năng di chuyển trên phạm vi lên tới hàng trăm km.

Theo World Weather Attribution (WWA), một nhóm nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về khí hậu, tổng số cơn bão nhiệt đới mỗi năm trên toàn cầu không thay đổi, nhưng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra đã khiến các cơn bão hoành hành với cường độ lớn hơn và có sức tàn phá dữ dội hơn.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các cơn bão nhiệt đới theo ba cách chính gồm làm ấm không khí, làm nóng đại dương và khiến nước biển dâng.

Trong "Báo cáo thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu," WWA nhấn mạnh dạng bão xoáy thuận gây thiệt hại nặng nề hơn cả đang xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn và thường gây mưa nghiêm trọng nhất.

Biến đổi khí hậu làm nước biển ấm lên, tạo điều kiện để bão cường độ mạnh có thể hình thành, sau đó nhanh chóng tăng cấp và di chuyển vào đất liền, đồng thời mang theo nhiều nước hơn.

Các đợt gió mạnh trong xoáy thuận khiến nước biển dâng, từ đó có thể gây ngập lụt các khu vực ven biển. Theo dữ liệu cập nhật, sóng biển dâng trong bão hiện cao hơn nhiều so với những thập kỷ trước vì hiện nước biển đã dâng lên do tác động của biến đổi khí hậu.

[Có tới 7 thảm họa thiên nhiên "đổ" xuống nước Mỹ chỉ trong 4 tháng]

Trong khi đó, chuyên gia Cloppet cho biết nhiệt độ không khí tăng thêm 3 độ C có khả năng làm tăng 20% lượng mưa khi xảy ra hiện tượng xoáy thuận.

Những trận mưa như trút này đã dẫn đến lũ lụt và sạt lở đất, đơn cử như trận bão Freddy cướp đi sinh mạng của hàng trăm người tại Malawi và Mozambique đầu năm nay.

Các nhà khoa học dự báo trong tương lai, xoáy thuận nhiệt đới sẽ xuất hiện tại nhiều nơi chưa từng thấy dạng bão này trước đây do hiện tượng ấm lên toàn cầu đang mở rộng ra các khu vực ghi nhận các điều kiện nước biển nhiệt đới.

WWA cũng nhất trí với nhận định rằng khi nước biển ấm lên, các cơn bão nhiệt đới sẽ dịch chuyển ra xa Xích đạo hơn.

Sự dịch chuyển về phía Bắc của các cơn bão phía Tây Bắc Thái Bình Dương, "tấn công" Đông và Đông Nam Á là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.

Kết quả là các cơn bão này sẽ càn quét những khu vực thường không chuẩn bị phương án ứng phó bão do hầu như chưa từng đối diện vấn đề này trước đây./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)