Bi cao Mai Phan Loi duoc giam 3 thang tu trong vu an tron thue hinh anh 1Bị cáo Mai Phan Lợi nghe tòa tuyên án. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 11/8, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án trốn thuế đối với các bị cáo Mai Phan Lợi (sinh năm 1971, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng - MEC); Bạch Hùng Dương (sinh năm 1975, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng - MEC).

Sau khi xem xét vụ án, Tòa phúc thẩm đã tuyên chấp nhận giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo, tuyên phạt bị cáo Mai Phan Lợi 45 tháng tù (sơ thẩm 48 tháng tù), Bạch Hùng Dương 27 tháng tù (sơ thẩm 30 tháng tù).

Về diễn biến của vụ án, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) thành lập từ năm 2012 theo quyết định của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

[Tuyên phạt bị cáo Mai Phan Lợi 48 tháng tù về tội "Trốn thuế"]  

Doanh thu của Trung tâm là các khoản tiền tài trợ hoặc nhận được từ các tổ chức trong và ngoài nước thanh toán hợp đồng thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Bị cáo Mai Phan Lợi với tư cách là cổ đông, Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm MEC nhưng thực tế Mai Phan Lợi là người điều hành mọi hoạt động của Trung tâm MEC.

Từ năm 2012 đến tháng 3/2021, MEC đã phát sinh doanh thu nhận tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng để thực hiện các công việc theo thỏa thuận cho các tổ chức trong nước và nước ngoài.

Mỗi lần Trung tâm nhận được tiền của các tổ chức, bị cáo Lợi đều chỉ đạo Giám đốc MEC là Bạch Hùng Dương và cấp dưới không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, không nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan quản lý thuế theo quy định, không có sổ kế toán theo quy định…

Cơ quan tố tụng xác định, trong vụ án này, số tiền trốn thuế là hơn 1,9 tỷ đồng.

Bị cáo Mai Phan Lợi phải chịu trách nhiệm với vai trò là chủ mưu, cầm đầu.

Bị cáo Bạch Hùng Dương được Mai Phan Lợi thuê làm giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Trung tâm MEC từ năm 2014 đến nay, nhưng thực tế Dương không có quyền điều hành Trung tâm.

Trong vụ án này, bị cáo Dương là đồng phạm, tham gia giúp sức cho bị cáo Lợi.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Mai Phan Lợi thừa nhận hành vi phạm tội, rất ân hận với những vi phạm của mình.

Bên cạnh đó, bị cáo cho rằng trong quá trình công tác, bị cáo có nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan chức năng, bố mẹ là người có công, bên cạnh đó hiện sức khỏe có vấn đề. Từ đó, bị cáo đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm dân sự.

Phía luật sư bào chữa cho bị cáo Lợi cũng nhất trí tội danh thân chủ bị truy tố, đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tòa phúc thẩm cũng thông báo nhận được 2 biên lai do anh trai bị cáo Lợi nộp (mỗi lần 200 triệu đồng) để khắc phục hậu quả vụ án cho bị cáo Lợi.

Sau khi xem xét vụ án, Tòa phúc thẩm tiến hành tuyên án.

Tòa phúc thẩm nhận định các kết luận giám định tư pháp, đánh giá lời khai của các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều phù hợp với diễn biến vụ án, hành vi của các bị cáo.

Tòa phúc thẩm đánh giá đây là vụ án có đồng phạm, bị cáo Mai Phan Lợi giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo trong việc trốn thuế hơn 1,9 tỷ đồng.

Bi cao Mai Phan Loi duoc giam 3 thang tu trong vu an tron thue hinh anh 2Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bị cáo Lợi cũng chỉ đạo cấp dưới không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng...

Bị cáo còn lại là Bạch Hùng Dương dù là cử nhân kinh tế, biết rõ phải kê khai, nộp thuế nhưng thực hiện chỉ đạo của Lợi để trốn thuế nên có vai trò giúp sức.

Cũng theo tòa, từ năm 2012 đến tháng 3/2021, MEC đã phát sinh doanh thu nhận tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng để thực hiện các công việc theo thỏa thuận cho các tổ chức trong nước và nước ngoài.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Mai Phan Lợi cũng thừa nhận chi tiền ít hơn số tiền nhận được, việc này cũng phù hợp với lời khai của hai kế toán của Trung tâm.

Hai cấp dưới của Mai Phan Lợi khai rằng chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Lợi. Số tiền dự án mà các tổ chức trong và ngoài nước chuyển về thì khi thực hiện dự án, còn dư tiền thừa sẽ đưa lại cho bị cáo Lợi.

Tòa cũng ghi nhận bị cáo Mai Phan Lợi đã nộp thêm 400 triệu đồng khắc phục hậu quả, trước đó bị cáo đã nộp 800 triệu đồng khắc phục hậu quả, trong quá trình công tác có nhiều thành tích, bố mẹ là người có công, gia đình hoàn cảnh khó khăn.

Tòa phúc thẩm nhận định có căn cứ để giảm nhẹ một phần hình phạt, qua đó thể hiện sự nhân đạo của pháp luật./.

PV (TTXVN/Vietnam+)