Có diện tích chè Shan tuyết lớn hàng đầu của cả nước, Yên Bái được các nhà khoa học đánh giá là một trong những vùng đất thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gene quý hiếm, với hương vị chè đặc trưng không nơi nào có được.
Bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết có ý nghĩa cấp thiết, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào vùng cao.
Phát hiện nhiều vùng chè Shan tuyết cổ thụ
Cây chè Shan tuyết mọc chủ yếu trên các triền núi cao, nhiều vùng chè Shan tuyết cổ thụ đã có từ lâu đời và gắn bó với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái.
Tổng diện tích chè Shan tuyết trên toàn tỉnh hiện có đạt khoảng 3.500ha, tập trung ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Văn Yên và dải rác trên một số ngọn núi cao của huyện Trấn Yên.
Nằm ở độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, xã Suối Giàng huyện Văn Chấn được thiên nhiên ban tặng cho giống chè Shan tuyết quý hiếm, với hương vị thơm ngon đặc biệt.
[Trên 1.300 cây chè Shan Tuyết được công nhận là Cây Di sản Việt Nam]
Nơi đây, hội tụ của quần thể với hơn 40.000 cây có tuổi đời từ trên 100-300 năm, đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam từ đầu năm 2016.
Đáng chú ý, vùng lõi chè Shan tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 400ha; trong đó, diện tích cây cổ thụ mọc tự nhiên là 290ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp.
Chè Shan Tuyết cổ thụ có thân cây to bằng vài người ôm, màu trắng mốc, tán cây rộng khoảng 20m2, lá màu xanh đậm.
Ông Đặng Duy Hiển, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Chấn cho biết, chè Shan tuyết là loại cây trồng bản địa, khả năng thích nghi, chống chịu tốt với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng nơi đây.
Hiện nay, toàn huyện Văn Chấn có trên 1.500ha chè Shan tuyết; trong đó, xã Suối Giàng chiếm gần 700ha, diện tích còn lại ở các xã Nậm Búng, Gia Hội, Nậm Mười, Sùng Đô, Suối Quyền và Suối Bu.
Cây chè Shan tuyết đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Suối Giàng Văn Chấn” cho sản phẩm chè Shan tuyết từ cuối năm 2022.
Được mệnh danh là một trong 10 vùng chè nguyên liệu ngon nhất Việt Nam, chè Shan tuyết mang chỉ dẫn địa lý "Phình Hồ” của huyện Trạm Tấu là nơi sản xuất ra nhiều loại trà nổi tiếng, như hồng trà, tuyết trà, vương trà, bạch trà, phổ nhĩ... đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Đây là vùng chè Shan tuyết với hơn 300.000 cây chè hàng trăm năm tuổi, được trồng ở độ cao trung bình từ 1.300-1.500m so với mực nước biển, quanh năm mây phủ.
Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Thào cho biết khu vực chỉ dẫn địa lý "Phình Hồ” của chè Shan tuyết đã đạt 800ha, tập trung chủ yếu ở hai xã Phình Hồ và Làng Nhì, nhiều cây chè thủy tổ ở đây đã được nhà khoa học xác nhận.
Trong quá trình sản xuất, huyện Trạm Tấu chỉ đạo người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, hái chè bằng tay, hạn chế việc đốn, tỉa để đảm bảo thời gian tích lũy dinh dưỡng trong cây dài nhất, tạo búp chè có chất lượng cao nhất.
Bên cạnh những vùng chè Shan tuyết nổi tiếng đã được cấp chỉ dẫn địa lý, tỉnh Yên Bái còn phát hiện nhiều vùng chè Shan tuyết cổ, tiêu biểu như: quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại bản Khe Loong 1, xã Kiên Thành, huyện Văn Yên, nơi đây còn khoảng 5.000-6.000 cây chè có tuổi đời từ 50 năm đến vài trăm năm, trên tổng diện tích khoảng từ 30-40ha; quần thể 2.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ vài trăm năm tuổi, mọc rải rác tại khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
Đặc biệt, có nhiều vùng chè Shan tuyết tự nhiên tại các xã Púng Luông, Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Khau Mang, Lao Chải, Hồ Bốn của huyện Mù Căng Chải mọc xen với rừng và đã trở thành rừng hỗn giao, nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được mọc ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển.
Thống kê sơ bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho thấy, có khoảng hơn 60.000 cây chè cổ, tạo thành từng nhóm nhỏ nằm rải rác trên diện tích khoảng hơn 12.000ha.
Phục tráng và mở rộng diện tích chè Shan tuyết
Nhờ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tự nhiên đặc thù của vùng núi cao, chè Shan tuyết Yên Bái có những đặc điểm riêng biệt.
Chè có cánh to, đều, xoăn chặt, lộ tuyết, mùi thơm mạnh, đặc trưng, khi pha có màu nước xanh và vàng sáng.
Hàm lượng chất tanin và khoáng chất cao nên có vị chát, đắng nhẹ và ngọt hậu đậm. Mang giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người.
Thực tế cho thấy những năm qua, sản xuất, kinh doanh chè thường gặp khó khăn do biến động của giá cả thị trường.
Tuy nhiên, các sản phẩm chè Shan tuyết vùng cao Yên Bái luôn được thị trường ưa chuộng và giá cả khá ổn định.
Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị trên diện tích chè Shan tuyết cổ thụ đã có thì việc mở rộng diện tích chè Shan tập trung, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả cao của tỉnh Yên Bái trong những năm vừa qua.
Ông Đinh Văn Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Chấn, cho biết bên cạnh việc bảo tồn, phục tráng ít nhất 10ha chè Shan tuyết cổ mỗi năm, huyện Văn Chấn đã xây dựng vườn ươm, nhân giống và tổ chức trồng mới trên 100ha mỗi năm để bảo đảm gìn giữ và phát huy nguồn gen quý của chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.
Hướng dẫn người dân về cách trồng, chăm sóc, thu hái chè Shan theo quy trình sạch, hữu cơ đã và đang mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc vùng cao trong huyện.
Ngoài 500ha chè Shan tuyết cổ thụ tự nhiên tập trung, huyện Trạm Tấu đang hỗ trợ người dân phục tráng và nhân rộng diện tích chè Shan hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm, tạo vùng nguyên liệu chè sạch, đảm bảo chất lượng tuyệt hảo, nhằm xây dựng thương hiệu và nâng tầm giá trị các sản phẩm chè Shan mang gốc bản địa đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Ông Sùng A Rua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, cho biết được tập huấn kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, toàn bộ quá trình cải tạo và trồng mới cây chè Shan được người dân dùng chế phẩm sinh học để chống mối, mọt, nấm gây hại; tổ chức đánh dấu những cây đầu dòng bảo tồn nguồn gen quý.
Do vậy, ngày nay cây chè Shan cho thời gian thu hoạch khá dài, năng suất trung bình đạt 12 tấn/ha.
Với giá bán chè búp tươi hiện tại là 20.000 đồng/kg, chè Shan đang là nguồn thu nhập chính, tạo việc làm ổn định cho gần 200 hộ dân trong xã.
Song song với việc bảo tồn và mở rộng diện tích chè Shan, những năm qua tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết gắn với thu hút đầu tư du lịch sinh thái cho những vùng chè Shan tuyết tập trung, tổ chức liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp chế biến và người dân trồng chè...
Tuy còn khiêm tốn về sản lượng nhưng chè Shan tuyết đã và đang là cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái, mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho đồng bào vùng cao.
Trong thời gian tới, từng bước phấn đấu xây dựng và bảo vệ thành công nhãn hiệu độc quyền chè Shan tuyết Yên Bái./.