Báo động dựng rạp đám ma, đám cưới lấn đường gây mất ATGT

10:39 - 17/12/2020

Tạp chí GTVT - Theo quy định, đám tang, đám cưới, lễ ăn hỏi... không được phép dựng rạp trên lòng đường nhưng thực trạng này vẫn khá phổ biến, nhất là ở những thành phố lớn. Điều đáng nói là việc dựng rạp trên đã dẫn đến không ít vụ TNGT thương tâm...

2

Tiềm ẩn nguy cơ TNGT

Hàng năm, cứ đến mùa cưới là ở bất cứ tuyến phố, con đường nào cũng dễ bắt gặp những chiếc rạp rực rỡ sắc màu. Không chỉ dựng rạp trên vỉa hè trước cửa nhà, một số gia đình còn “đưa” cả rạp, bàn ghế, bày mâm cỗ dưới lòng đường, lòng phố. Cũng có nhiều gia đình còn biến đường giao thông thành nơi trông giữ phương tiện cho khách đến dự. Thậm chí, có gia đình còn chặn một đoạn đường lại để bắc rạp, ăn cỗ linh đình đến vài ngày khiến người dân phải đi vòng đường khác khá bất tiện. Để làm “vừa lòng” người tham gia giao thông, các gia chủ đặt các tấm biển báo với nội dung như: “Nhà có việc, xin đi đường khác”, “Nhà có việc, xin nhường đường”... Việc làm này vừa gây mất mỹ quan đô thị và đã có nhiều vụ TNGT xảy ra.

Vào hồi 6h45 ngày 10/3/2019, tại km15 trên QL70 đoạn qua xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, xe đầu kéo BKS 19C-074.70 kéo theo rơ-mooc BKS 19R-003.42 chạy trên QL70 theo hướng Phú Thọ - Yên Bái đã va chạm với xe tải BKS 21K-4341 đi chiều ngược lại.

Sau đó, xe đầu kéo mất lái đâm vào một đám cưới dựng rạp ngay bên lề đường. Chiếc xe chỉ dừng lại hẳn khi lao vào một hố gần khu vực này. Sự việc khiến nhiều người trong đám cưới hoảng hốt bỏ chạy. May mắn không có thiệt hại về người.

Một vụ việc khác nhưng hậu quả để lại thảm khốc hơn: Vào ngày 11/4/2019, trước cửa nhà số 6 đường Nguyễn Công Trứ, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Khi đội dịch vụ tang lễ xếp hàng dưới lề đường chuẩn bị làm lễ đưa tang thì bị ô tô Lexus mang BSK 49X-6666 đâm vào khiến 4 người chết, 5 người bị thương nặng...

Điều đáng buồn là mặc dù đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra mà nguyên nhân chính xuất phát từ các rạp đám cưới, đám tang được dựng trên vỉa hè, lòng đường nhưng thực trạng này vẫn tiếp diễn. Giải thích vì sao lại lấy vỉa hè, lòng đường làm hôn trường thì hầu hết mọi người đều cho rằng đây là việc làm bất đắc dĩ vì khuôn viên nhà chật chội, không có điều kiện để tổ chức ở nhà hàng, khách sạn, hơn nữa cũng chưa thấy cơ quan chức năng nào nhắc nhở về việc này.

1

Chiếm dụng lòng, lề đường tổ chức cưới hỏi, ma chay... là hành vi vi phạm trật tự ATGT, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao

Mức phạt đến 6 triệu đồng

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và Điều tra giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Muốn tổ chức các hoạt động khác trên đường phố như văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ thì cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT.

Thông tin về mức xử phạt, luật sư Diệp Năng Bình - Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, căn cứ điểm a khoản 5 và điểm đ khoản 6 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng với tổ chức có hành vi dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Mức phạt sẽ tăng thành 4 - 6 triệu đồng với cá nhân dựng rạp, lều quán, công trình khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt.

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, việc dựng rạp đám cưới, đám tang dưới lòng đường không chỉ là vi phạm hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điều 261 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị ATGT đường bộ khác... sẽ bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...

Do vậy, nếu việc dựng rạp làm đám cưới, liên hoan, đám tang, giỗ... chiếm dụng lòng đường, vỉa hè dẫn đến tai nạn chết người thì tùy từng trường hợp sẽ có mức xử lý khác nhau. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chủ nhà, người dựng rạp sẽ bị xử lý về tội “cản trở giao thông đường bộ”.

Vấn đề bồi thường được xác định dựa trên mức độ lỗi. Trong trường hợp những hành vi vi phạm nêu trên gây thiệt hại cho người thứ ba thì lái xe và chủ rạp phải liên đới bồi thường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

http://www.phapluatgiaothong.vn/bao-dong-dung-rap-dam-ma-dam-cuoi-lan-duong-gay-mat-atgt-d89