Bánh đa kê
11:40 - 24/06/2021
“Em tôi bé bỏng nhất nhà/ Thèm ăn cơm nếp thịt gà cháo kê/ Em tôi buồn ngủ buồn nghê/ Thèm ăn cơm nếp cháo kê thịt gà”... (ca dao).
1. Lâu lâu lại thấy món ăn đồng quê này.
Làng quê xưa, lối ngõ sớm hay chiều, người ta hay gặp tiếng rao “Ai bánh đa kê nào…”. Trẻ con chúng tôi thường xồ ra khi bà bán bánh đa kê đi qua, nhìn theo thèm thuồng nhưng lấy đâu ra tiền. Kết cục chỉ là bánh ngó!
Tưởng món ăn quê này đã đi vào dĩ vãng, vậy mà đến nay nó vẫn còn. Bán bánh đa kê thường là các bà già toòng teng quẩy trên vai nồi cháo kê mươi cân được đánh nhuyễn, một túi bánh đa cắt sẵn.
Chiếc bánh đa chia làm bốn, đỗ xanh một khay, một lọ đường cát mà nắp lọ khoan thủng nhiều lỗ như gương sen của vòi ô doa tưới rau, để khi phết kê lên bánh xong thì rắc đường không cần mở nắp, không cần thìa xúc. Khi không có đường cát thì người ta thay bằng đường kính. Bánh đa kê rắc đường cát vị đậm đà và thơm hơn.
Bán bánh đa kê thì cồng kềnh nhất là nồi cháo…
Một phần tư miếng bánh đa sau khi được trét kín món cháo kê vàng đặc quánh thì rắc đường, sau đó phủ lên lớp đỗ xanh tơi mỏng vàng sắc hoa cau. Bẻ gập miếng bánh đa lại là xong cái bánh. Miếng bánh đa kê tựa chiếc bánh xăng-uých, loại bánh mì kẹp thịt.
Người bán bánh đa kê thường đi rong đầu làng cuối xóm. Thực khách là đám trẻ con và người già thích ăn vặt. Đàn ông không mấy người ưa món này. Người bán hàng ít khi ngồi nguyên một chỗ. Cứ toòng teng trên vai như cô hàng cốm đi rong vào dịp trung thu, giọng rao ời ời thân thiện như lời mời chào dễ nghe nhất! Bây giờ cũng có người dùng xe đạp lượn cho nhanh, đồ hàng đặt gọn trên chiếc mẹt cột chặt phía sau xe.
2. Bây giờ trên phố đã xuất hiện hàng kê ngồi nguyên một chỗ. Bà bán hàng lặng lẽ như con chim chả trên cái cọc tre. Ngồi cố định tiện cho khách quen.
Nghề bánh đa kê khó nhất là nấu nối cháo kê sao cho sánh đặc, dẻo như keo nhưng không bị chút khê xém nào. Nồi kê mà khê xém là vứt, vì mùi khét nó ám vào ngay chỗ kê không cháy, khét lẹt! Nấu kê thì chớ chơi game hay vào Facebook nhá!
Mẹ tôi bảo: kê làm sạch, ngâm một đêm cho ngấu nước rồi mới bắc bếp đun. Từ đầu đã phải nhỏ lửa. Khi nồi kê sôi là cầm đũa cả đảo ngoáy liên tục, cẩn thận hơn cả quấy bánh đúc. Chỉ sơ ý một tí là xém đáy nồi. Nấu cháo kê phải kiên nhẫn hàng năm với củi lửa và dẻo tay đũa cả. Mẹ tôi cười: là nói thế chứ mẹ đã lần nào nấu kê đâu. Đặt nồi cháo kê đâu có dễ…
3. Một phần tư chiếc bánh đa trét kê rắc đỗ đường bán mười ngàn đồng, giá bằng một gói xôi nhưng dễ ăn. Ăn bánh đa kê phải thong dong, không đi đâu mà vội. Đồng quê người ta sống chậm, không thiếu thời gian.
Ăn bánh đa kê cũng không thể vội vàng như các nón ăn khác. Miệng nhai tai nghe tiếng ròn tan của bánh đa, vị ngọt của đường cát thấm vào chân răng và vị thơm bùi ngậy của đậu xanh. Cầm miếng bánh đa kê trên tay đưa lên miệng thì, đồng quê hiện về. Lúc ấy người ta tạm quên đi cái hối hả của thị thành, mà cảm thấy hương đồng gió nội phảng phất đâu đây. Thời gian như dừng lại bên mẹt bánh.
Nhưng bánh đa kê không phải thứ để dành hay đem đi xa. Mua xong là ăn ngay. Để lâu nước ngấm mềm bánh đa thì ăn mất ngon vì bánh đa không còn ròn dẻo nữa. Còn để nó nhão ra coi như vứt.
Tưởng bánh đã kê đã đi vào dĩ vãng, nhưng không, lâu lâu lại gặp món này trên phố Hà Nội. Cô bán bánh đa kê dóng trên chiếc xe đạp, nồi kê cuộc chặt phía sau Poocbaga xe với tiếng rao hồn hậu mời chào: “Ai bánh đa kê nào…”
https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/banh-da-ke-d159009.html