Nhằm mục tiêu bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) để các đơn vị này bán vàng trực tiếp tới người dân từ ngày 3/6.
Chuẩn bị sẵn sàng để bán vàng ra thị trường
Theo thông tin của Báo Điện tử VietnamPlus, hiện các ngân hàng thương mại nói trên đang khẩn trương hoàn thiện giấy phép cũng như chuẩn bị địa điểm bán vàng để chính thức bán vàng cho người dân từ đầu tuần tới.
Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho hay đây là chủ trương đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước và BIDV sẽ có trách nhiệm triển khai. Cụ thể, BIDV sẽ công bố danh sách các điểm bán vàng miếng trên website của ngân hàng. Việc bán vàng trực tiếp tới người dân sẽ được thực hiện bắt đầu ngay trong ngày thứ Hai (3/6/2024). Ngân hàng thực hiện hoàn thiện thủ tục thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo ông Lâm, BIDV đã thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu…). Giá vàng miếng sẽ được công bố công khai hàng ngày trên website của BIDV.
Về giá bán vàng, ông Lê Ngọc Lâm cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước theo mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định căn cứ theo giá thế giới và mục tiêu điều hành giảm giá chênh lệch trong nước và quốc tế so với hiện nay. Giá bán vàng miếng sẽ được công bố công khai trên wesite chính thức của các ngân hàng thương mại Nhà nước để người dân tiện theo dõi.
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng cho biết với lợi thế mạng lưới giao dịch rộng khắp, Agribank đã triển khai đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể sẵn sàng bắt đầu cung ứng vàng cho người dân từ ngày 3/6. Trước mắt, ngân hàng này cũng sẽ tổ chức thực hiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để có phương án mở rộng hơn, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.
“Trước mắt chúng tôi sẽ triển khai bán vàng cho các cá nhân có nhu cầu. Về cơ bản, các thủ tục sẽ rất thuận tiện, đơn giản, tuy nhiên khách hàng cũng cần lưu ý các thủ tục liên quan đến định danh của cá nhân và tuân thủ một số quy định giao dịch, thanh toán hợp pháp về hóa đơn và phòng chống rửa tiền. Việc xuất hóa đơn, thanh toán qua tài khoản, giúp khẳng định được giao dịch hợp pháp, cũng là khẳng định quyền sở hữu của người mua. Điều này cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt được các giao dịch, lượng vàng luân chuyển trong cá nhân, tổ chức và các đơn vị được phép kinh doanh vàng,” ông Vượng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Agribank và BIDV cùng khẳng định với chức trách của ngân hàng thương mại Nhà nước, các ngân hàng đảm bảo cung ứng nhu cầu hợp pháp của người dân nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ Ngân hàng Nhà nước. Việc quan trọng nhất là thực hiện mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế so với hiện nay.
Đại diện Vietcombank và VietinBank cũng thông tin các ngân hàng đã sẵn sàng bán trực tiếp vàng miếng tới tay người dân vào đầu tuần tới đồng thời sẽ có thông tin chính thức về việc này trên website.
Thị trường phản ứng ngay với “chiêu mới”
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước để cung ứng cho người dân, giá vàng trên thị trường lao dốc.
Cụ thể, giá vàng miếng mở cửa phiên sáng nay (30/5) giảm mạnh chưa từng có, lên tới 2,3-2,9 triệu đồng mỗi lượng (bán ra - mua vào), về còn 88 triệu đồng/lượng (bán ra). Việc Ngân hàng Nhà nước công bố bán vàng trực tiếp ra thị trường từ 3/6 và giá vàng thế giới đảo chiều giảm là lý do khiến giá vàng trong nước rơi tự do.
Tuy nhiên, tầm gần trưa thương hiệu này đã hồi phục, tăng từ 400.000-500.000 đồng mỗi lượng. Hiện Công ty Doji Hà Nội và Công ty Doji Thành phố Hồ Chí Minh thông báo giá mua vàng SJC ở mức 84,75 triệu đồng/lượng và bán ra là 87,5 triệu đồng/lượng, tnawg 500.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng.
Tương tự, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết từ 86-88,5 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng so với phiên sáng.
Công ty vàng bạc Phú Quý cũng tăng 400.000 đồng, hiện doanh nghiệp này đang giao dịch quanh mức 84,6-87,4 triệu đồng/lượng.
Hiện chênh lệch giá mua/giá bán vẫn được các doanh nghiệp để ở mức cao từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/lượng, tiếp tục đẩy rủi ro về phía người mua vàng.
Theo giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước là nhà cung cấp độc quyền và duy nhất vàng SJC trên thị trường. Do đó, khi tổ chức này tuyên bố bán vàng SJC với mức giá nhằm đảm bảo kéo chênh lệch giá vàng thế giới, giá vàng SJC chắc chắn phải giảm.
Vì các đơn vị kinh doanh vàng không thể đủ nguồn lực để cạnh tranh với Ngân hàng Nhà nước, mặt khác giới đầu cơ nắm giữ vàng thấy nguy cơ thua lỗ đang xả mạnh vàng ra thị trường lúc này đã dẫn đến giá vàng SJC lao dốc rất mạnh.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng không có lý do nào mua vàng SJC giá cao ngoài thị trường nếu ngân hàng thương mại bán giá thấp hơn. Không có lực cầu thì đơn vị kinh doanh vàng cũng không thể đẩy giá vàng SJC.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ mới đưa ra thông điệp, mà chưa có hành động cụ thể, giá vàng SJC đã giảm.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng quốc doanh là dấu hiệu tích cực, góp phần tăng nguồn cung vàng miếng ra thị trường.
Theo ông Phong, về nguyên tắc, để việc bán vàng trực tiếp tới người dân qua các ngân hàng quốc doanh đạt hiệu quả, cần khai thác hệ thống mạng lưới khắp cả nước, mở rộng điểm giao dịch, cho người dân tự do trong giao dịch và thuận tiện trong vấn đề lựa chọn nơi mua.
Lãnh đạo các ngân hàng khẳng định, với phương thức mới này chắc chắn là giá sẽ giảm dần vì không còn bị thao túng giá, đẩy lên quá mức như thời gian vừa qua./.