Bản sao bộ xương hóa thạch của một trong những loài khủng long lớn nhất từng sải bước trên Trái Đất chuẩn bị chính thức được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở thủ đô London của Anh.
Đây là lần đầu tiên bản sao hóa thạch bộ xương khủng long này được triển lãm ở châu Âu kể từ khi bản gốc được phát hiện ở Patagonia, một vùng hoang dã nằm ở phía Nam thành phố Neuquen, Argentina.
Cách đây nhiều năm, các nhà khoa học ở Argentina đã phát hiện một trong những loài khủng long lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất là Patagotitan mayorum.
Loài này thuộc họ titanosaur, một họ khủng long ăn cỏ có đầu nhỏ và thân hình to lớn, sống cách đây khoảng 95-100 triệu năm.
[Phát hiện xương hóa thạch có thể của loài khủng long lớn nhất]
Patagotitan mayorum nặng tới 69 tấn, dài 37m và cao gần 6m, tương đương với kích thước của 12 con voi châu Phi trưởng thành. Theo các nhà nghiên cứu, với chiếc cổ vươn lên trên, Patagotitan mayorum đủ cao để thò đầu vào một tòa nhà năm tầng.
Với việc trưng bày bản sao bộ xương hóa thạch của Patagotitan mayorum, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo khách tham quan. Trước đó, bảo tàng này cũng từng trưng bày bộ xương hóa thạch của khủng long Diplodocus "Dippy" nổi tiếng cho đến năm 2017.
Bản sao của Patagotitan mayorum được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London là bản sao bộ xương hóa thạch của một trong 6 con titanosaur được tìm thấy sau khi một nông dân ở vùng Argentina phát hiện ra một xương đùi khổng lồ nhô ra khỏi mặt đất vào năm 2010, dẫn đến quá trình khai quật kéo dài nhiều năm.
Ông Paul Barrett, trưởng nhóm khoa học của triển lãm, cho biết: "Họ đã phát hiện ra một nghĩa địa khủng long titanosaur với 6 con khủng long khác nhau trong lòng đất."
Sau phát hiện ở Argentina, các chuyên gia về khủng long đã quét 3D từng mảnh xương riêng lẻ để tạo ra các bản sao làm từ nhựa polyester và sợi thủy tinh, chúng được gắn trên một cấu trúc thép. Một công ty ở Canada đã mất hơn 6 tháng để thực hiện công việc đúc khuôn khổng lồ, dựa trên số lượng xương hóa thạch được khai quật.
Để chuẩn bị cho cuộc trưng bày đặc biệt này, bà Sinead Marron, đại diện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London cho biết bộ xương bản sao đã được đưa đến London trong 32 thùng riêng biệt, nghĩa là "mỗi mảnh phải được ghép lại với nhau như một trò chơi ghép hình khổng lồ."
Bà Marron cho biết mục đích của triển lãm là kể câu chuyện về hành trình của Patagotitan mayorum từ khi nở ra từ một quả trứng nhỏ hơn quả bóng đá tới khi trở thành một con khủng long khổng lồ nặng 57 tấn đáng kinh ngạc. Du khách đến với triển lãm sẽ có cơ hội chạm vào mô hình trưng bày cũng như tham gia các trò chơi tương tác.
Khủng long titanosaur là một phân nhóm của nhóm khủng long lớn hơn được gọi là sauropod. Nhóm này bao gồm nhiều loài khác có cấu trúc cơ thể tương tự như Brontosaurus và Diplodocus sống ở Bắc Mỹ trong Kỷ Jura, trước Kỷ Phấn trắng.
Một số loài khủng long titanosaur sinh sống tại Patagonia - vùng đất tận cùng của châu Mỹ - có kích thước khổng lồ tương đương với Argentinosaurus, Patagotitan và Dreadnoughtus./.