Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị vừa ký Quyết định 129/QĐ-TCT ngày 25/11/2024 ban hành Quy chế làm việc của tổ công tác này.
Theo Quy chế, Tổ công tác gồm tổ trưởng, tổ phó và các thành viên theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 128/QĐ-TCT ngày 25/11/2024 của Tổ trưởng Tổ công tác về thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố" (Đề án 153).
Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 2 Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng Tổ công tác
Theo Quy chế, Tổ trưởng Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, chế độ làm việc quy định tại Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kết quả hoạt động của Tổ công tác; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tại nêu tại Điều 2 Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác; phân công nhiệm vụ cho các Tổ phó và thành viên Tổ công tác; triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Tổ công tác, chỉ đạo chuẩn bị nội dung, vấn đề đưa ra thảo luận trong cuộc họp của Tổ công tác; quyết định việc mời lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia để phối hợp, tham vấn trong quá trình Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung, thay thế thành viên Tổ công tác theo đề nghị của thành viên Tổ công tác và của cơ quan có thành viên tham gia Tổ công tác.
Chế độ họp, làm việc của Tổ công tác
Quy chế nêu rõ Tổ công tác tổ chức họp để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đánh giá kết quả và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động.
Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau, Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Tổ trưởng Tổ công tác quyết định thời gian, nội dung, thành phần cuộc họp Tổ công tác hoặc theo đề xuất, kiến nghị của Tổ phó, thành viên Tổ công tác; tùy theo tính chất, nội dung cuộc họp, Tổ trưởng Tổ công tác quyết định việc mời các thành viên Tổ công tác và đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự cuộc họp.
Trường hợp không tổ chức họp, theo chỉ đạo, yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác, thành viên Tổ công tác có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Thành viên Tổ công tác có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp, thực hiện nhiệm vụ được phân công. Trường hợp vắng mặt, thành viên Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo và cử người có trách nhiệm dự họp thay khi được Tổ trưởng Tổ công tác đồng ý.
Chế độ thông tin, báo cáo
Theo Quy chế, Tổ công tác yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các tổ chức, đơn vị có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu.
Các thành viên Tổ công tác thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ trưởng Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác./.
Nguồn: Ban hành quy chế của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án | Vietnam+ (VietnamPlus)