Bài trừ hành vi “phi văn hóa” khi tham gia giao thông
18:52 - 10/02/2021
Tạp chí GTVT - Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc sau khi va chạm giao thông, nhiều người dù chưa phân tích rõ nguyên nhân đúng, sai đã lao vào xô xát, ẩu đả nhau dẫn đến thương tích.
Ảnh chụp từ clip |
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc sau khi va chạm giao thông, nhiều người dù chưa phân tích rõ nguyên nhân đúng, sai đã lao vào xô xát, ẩu đả nhau dẫn đến thương tích. Đôi khi, những thương tích do ẩu đả sau khi va chạm còn nặng hơn những vết thương do va chạm giao thông gây ra. Đặc biệt, gần đây cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ, liên tục lên án và chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một nam thanh niên lao vào đánh đập dã man một nữ sinh sau khi va chạm giao thông tại Bình Dương. Điều đáng nói, tại thời điểm đó, nam thanh niên này chuyển hướng di chuyển không xi-nhan và được xác nhận đã uống rượu, bia.Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết về công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã đề cập đến vụ việc này và coi đây là hiện tượng phi văn hóa trong giao thông. Khi vụ việc gây bức xúc dư luận này chưa kịp lắng xuống thì chưa đầy 1 tuần, một vụ việc khác tương tự lại xảy ra ở Tây Ninh. Do có va chạm giao thông với chị Lê Thị Mộng Trúc (sinh năm 1995, ngụ ấp Khởi Nghĩa, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), nữ sinh H.B.B.N. (sinh năm 2008, học sinh lớp 7 Trường THCS Chà Là, huyện Dương Minh Châu) bị Trần Văn Mẫn (là chồng chị Trúc) đánh bị thương, phải khâu ở đầu và bị bong gân chân.Thực tế cho thấy, mặc dù các vụ việc này đều được lực lượng chức năng vào cuộc, xử lý kịp thời, tuy nhiên dư luận không khỏi lo ngại về hành vi phi văn hóa, bạo lực khi tham gia giao thông. Đồng thời, việc không xử lý nghiêm những kẻ hành xử côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật trong các vụ va chạm giao thông sẽ tạo tiền lệ xấu cho cách hành xử côn đồ gia tăng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.Văn hóa giao thông nói một cách đơn giản là sự tự giác chấp hành pháp luật giao thông, là ứng xử có văn hóa khi đi đường hoặc khi xảy ra va chạm, TNGT. Việc nhường nhịn nhau cũng là cách để xây dựng văn hóa giao thông từ những điều nhỏ nhất. Không phải là câu chuyện một sớm một chiều, nhưng văn hóa giao thông cũng không phải là vấn đề không thể thay đổi. Mỗi cử chỉ “văn hóa giao thông” làm nên nét nhân cách của mỗi con người. Nó không chỉ thể hiện cho mọi người thấy bạn là người văn minh lịch sự như thế nào mà thông qua hình ảnh đó còn góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
http://www.tapchigiaothong.vn/bai-tru-hanh-vi-phi-van-hoa-khi-tham-gia-giao-thong-d90356.html