Bài 3 - Du lịch cắm trại ở hồ Trị An: Sẽ có cơ chế phát triển

12:29 - 24/04/2023

Hồ Trị An có diện tích hơn 32.000 ha, trong đó đất vùng bán ngập chiếm hơn 11.000 ha thời gian qua vẫn “bỏ không”, lãng phí nguồn lực.

Hồ Trị An có diện tích hơn 32.000 ha, trong đó đất vùng bán ngập chiếm hơn 11.000 ha thời gian qua vẫn “bỏ không”, lãng phí nguồn lực.



1.	Hiện trạng du lịch tự phát bên hồ Trị An.

Hiện trạng du lịch tự phát bên hồ Trị An.

Du lịch tự phát phát sinh nhiều bất cập

Liên quan đến du lịch tự phát, ông Nguyễn Hoàng Hảo Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết du lịch tự phát rộ lên từ sau dịch Covid-19. Thời điểm này có nhiều thanh niên do cuồng chân nên rủ nhau lên hồ Trị An chơi vì ở đây vừa có hồ vừa có rừng. Khi thấy không khí, cảnh quan ở ven hồ đẹp, những người này tiếp tục truyền tai nhau nên ngày càng có nhiều người tìm đến. Đa phần các bạn trẻ đến mang theo lều mini để cắm trại ven hồ từ thứ 7 đến chủ nhật sau đó thu dọn tất cả rồi về nhưng hình thức du lịch này không đảm bảo an toàn.

Sau đó từ hình thức du khách tự phát ban đầu, nhiều người dân địa phương đã tham gia vào làm du lịch để đáp ứng nhu cầu của khách. Nhưng theo quy định vùng bán ngập lòng hồ Trị An thuộc diện bảo vệ hồ đập, không được phát sinh bất kỳ công trình hạng mục nào. Vì vậy phía khu bảo tồn khi phát hiện người dân tham gia kinh doanh du lịch này đã có lời khuyên, tuyên truyền vận động dừng lại tuy nhiên vẫn nhiều người làm dẫn đến hiện nay phải xử lý mạnh.

“Nếu phát hiện các trường hợp làm sai trên đất giao khoán thuộc quyền quản lý của khu bảo tồn hoặc trên vùng bán ngập chúng tôi sẽ đình chỉ, yêu cầu họ dừng lại. Sau đó khu bảo tồn sẽ phối hợp với địa phương yêu cầu người dân tự tháo dỡ, nếu không tháo dỡ sẽ cưỡng chế. Trường hợp người dân cố chây ì khu bảo tồn sẽ thanh lý hợp đồng giao khoán nhưng đến nay vẫn chưa thanh lý hợp đồng nào vì mới tự phát, muốn thanh lý phải có thời gian”, ông Hảo nhấn mạnh.

Theo ông Hảo, về nguyên tắc du lịch, các cơ sở du lịch tự phát như vậy là sai; không đảm bảo được an ninh trật tự; phát sinh ô nhiễm từ rác thải; nếu không ngăn chặn, phát triển rầm rộ lên sẽ khó xử lý.

Còn khi nói đến phương án phát triển du lịch lâu dài cho địa phương, ông Hảo cho biết khu bảo tồn hiện đã xây dựng đề án phát triển du lịch trên hình thức khai thác tiềm năng của hồ Trị An và rừng. Khi đề án được phê duyệt sẽ có quy định cụ thể cho từng khu vực được hay không được làm gì rồi mời gọi nhà đầu tư đến đầu tư dự án, có kế hoạch phát triển du lịch, chủ động phối hợp với người dân địa phương cùng làm du lịch.

Du lịch được phát triển bài bản, khách đến được lưu trú an toàn và đặc biệt sẽ lựa chọn được đối tượng tham gia du lịch sinh thái, phát huy được giá trị sinh thái rừng.

“Khi có nhà đầu tư du lịch bài bản sẽ đảm bảo an toàn cho khách du lịch, phát triển du lịch xanh bền vững, triển khai các phương án bảo vệ môi trường. Như vậy người dân được hưởng lợi, doanh nghiệp cũng sẽ đóng thuế cho Nhà nước và khu bảo tồn cũng nhận được thêm kinh phí… Còn hiện nay người dân tự theo nhau bỏ tiền ra xây dựng ồ ạt lều trại, giờ bị cưỡng chế, tháo dỡ sẽ bị thiệt hại nặng”, ông Hảo nói thêm.

Cũng theo Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai khu vực này sẽ không thể phát triển du lịch theo hướng hưởng thụ mà phải làm du lịch sinh thái, về nguồn, vừa đến du lịch vừa phải có tinh thần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên rừng. Bởi vì rừng và nước là nguồn tài nguyên quý, nếu quy hoạch không tốt sẽ không còn sinh thái như vậy hậu quả rất nghiêm trọng.

“Khu bảo tồn có đề án du lịch riêng còn xã Mã Đà cũng có phần đất do xã quản lý nên xã cũng có thể xây dựng đề án du lịch nhằm kêu gọi nhà đầu tư vào làm du lịch bài bản cho địa phương. Bao đời nay lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đều có chung quan điểm là phải giữ rừng nên dù làm gì chúng tôi cũng quan tâm đến an toàn rừng là trên hết”, ông Hảo nhấn mạnh.

Khu bảo tồn còn đề xuất Sở NNPTNT Đồng Nai sớm hoàn thành thẩm định Đề án Phát triển du lịch sinh thái rừng để trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, sau khi có đề án ngành chức năng mới có cơ sở để xem các điểm du lịch đó có nằm trong đề án hay không, nếu có sẽ đưa vào phát triển du lịch. Cùng với những nỗ lực giải quyết các thủ tục theo quy định, Khu bảo tồn cũng mong nhận được sự phối hợp của chính quyền địa phương ngăn chặn du lịch tự phát, xây dựng trái phép trên đất giao khoán để giữ gìn an ninh trật tự.

Về vấn đề làm du lịch ven hồ Trị An, đại diện Sở TN-MT cho rằng các điểm du lịch tại Vĩnh Cửu đang khai thác trên 3 phạm vi đất gồm: Đất do khu bảo tồn đang quản lý, khu vực dưới mức an toàn vùng lòng hồ và đất địa phương quản lý. Đối với đất dưới lòng hồ (vùng bán ngập), việc quản lý, khai thác sử dụng đã được Bộ TN-MT ban hành nghị định quy định vùng bán ngập chỉ dùng để sản xuất nông nghiệp hoặc trồng cây ngắn ngày; đối với đất giao địa phương quản lý địa phương phải lập phương án sử dụng đất trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, sau khi phương án sử dụng đất được phê duyệt, UBND huyện tùy từng trường hợp cụ thể sẽ xử lý cấp phép hoặc thu hồi theo quy định.

“Mặc dù địa phương phải tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nhưng phát triển kinh tế phải dựa trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật”, đại diện Sở TN-MT nhấn mạnh.

z4275637283238_ff8c84521fc50dcb8080b52005abf08d

 

Người làm du lịch mong muốn tạo được một cộng đồng làm du lịch

Bên cạnh những cơ sở mới làm du lịch thì tại Mã Đà cũng có nhiều điểm du lịch tồn tại gần 2 thập kỷ, gắn bó với địa phương từ những ngày đầu thành lập đã chia sẻ mong muốn du lịch địa phương ngày càng phát triển. Chị Hồ Thị Phương Yến, người điều hành du lịch tại địa điểm du lịch Napy Garden cho biết năm 2003 (chung năm thành lập xã Mã Đà - nhưng trước thời điểm thành lập xã”, gia đình chị Yến đã về đây sinh sống, làm vườn cây, ẩm thực sinh thái, tìm không gian yên tĩnh, tránh xa xô bồ nơi phố thị.

Đến năm 2011, cơ sở du lịch của chị Yến phát triển mạnh khâu phục vụ ẩm thực, đưa khách tham quan rừng, thủy điện Trị An… Dù lượng khách ít, thường xuyên thua lỗ nhưng cả nhà vẫn chung tay cùng làm với mong muốn quảng bá được vẻ đẹp của Mã Đà đến nhiều người.

“Ở đây tiềm năng du lịch là rất lớn, khách đến đây sẽ được trải nghiệm du lịch glamping với lều trại có sẵn để khách có thể vừa nghỉ ngơi, vừa vui chơi. Do ven hồ nên cơ sở có cho khách tham gia hoạt động vui chơi dưới nước và đảm bảo an toàn cho khách bằng áo phao, phao tròn cứu hộ. Đặc biệt tại cơ sở có nhân viên có bằng cứu đuối và mỗi ca trực sẽ có 2 - 3 nhân viên cứu hộ túc trực sẵn đảm bảo an toàn cho du khách. Như vậy khách đến hồ nếu có tắm hồ vẫn được an toàn hơn là du lịch tự phát, tự tắm…”, chị Yến nói.

Theo chị Yến, khi gia đình chị về địa phương làm du lịch đều không nắm thông tin về quy định, giấy phép hoạt động… nhưng trong quá trình hoạt động đã được cán bộ địa phương hỗ trợ rất nhiều để xin các giấy tờ nhằm vận hành hoạt động. Thiết nghĩ cũng sẽ có nhiều đơn vị đi sau không nắm các thủ tục phát triển hoạt động kinh doanh. Do đó nếu như có thể phát triển du lịch đúng hướng, đúng quy định pháp luật sẽ rất tốt.

“Tôi nghĩ nếu xây dựng được 1 hợp tác xã làm du lịch ở Mã Đà theo đúng chủ trương, đúng quy định thì rất tốt. Chúng tôi đều mong muốn chính quyền địa phương đưa ra lộ trình cụ thể hướng dẫn người muốn kinh doanh du lịch làm theo, cùng nhau phát triển được cộng đồng du lịch ở Mã Đà, ở ven hồ Trị An”, chị Yến nhấn mạnh.

Về phát triển du lịch, ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng Nai cho hay Hiệp hội vừa gửi văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai có hướng dẫn tổ chức hoạt động du lịch sinh thái tại khu vực hồ Trị An. Trước mắt quan điểm của Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai là vẫn thống nhất với giải pháp của địa phương vận động tháo gỡ các công trình du lịch tự phát nhưng Hiệp hội cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Văn hóa Thể thao và

Du lịch có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm có quy định và cơ chế tạo điều kiện cho việc tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của các hộ dân ở nông thôn. Trong đó, có chính sách cho phép lắp dựng các công trình như nhà chòi, nhà vệ sinh… phục vụ du khách trên diện tích đất nông nghiệp.

Hiệp hội du lịch đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét có văn bản hướng dẫn UBND huyện Vĩnh Cửu và UBND xã Mã Đà vận động các hộ dân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ du lịch thành lập các tổ dịch vụ du lịch cộng đồng. Trong đó, quy định cam kết cụ thể phù hợp với tình hình địa phương, không được xây dựng khi chưa được cấp phép, cần tạm thời cho phép một khu vực được phép tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, mục tiêu đột phá phát triển du lịch nằm trong quan điểm chung về việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tín hiệu vui là thời gian qua, huyện Vĩnh Cửu đã và đang trở thành điểm đến của du lịch sinh thái, nhiều doanh nghiệp muốn vào đầu tư, nhiều du khách tìm đến ngắm vẻ đẹp của rừng và hồ Trị An. Tuy nhiên, hiện nay du lịch ven hồ Trị An đang phát triển theo hướng nông hộ, hộ gia đình, cá nhân với hình thức tự phát, du lịch ngắn hạn, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương và các cấp chính quyền.

Ông Võ Văn Phi nhận định, du lịch ven hồ, rừng là nhu cầu thực tiễn, địa phương cũng mong muốn có mô hình gắn với công tác quản lý, tuy nhiên, cần tạo cơ chế phù hợp để quản lý, vận hành mô hình hiệu quả song vẫn đảm bảo điều kiện bảo vệ tự nhiên, sinh thái.

Hồ Trị An có diện tích hơn 32.000 ha, trong đó đất vùng bán ngập chiếm hơn 11.000 ha thời gian qua vẫn “bỏ không”, lãng phí nguồn lực. Ông Võ Văn Phi gợi ý khoanh vùng các bãi đất bán ngập có thể làm du lịch, gắn với các điểm quy hoạch du lịch sinh thái ven hồ để quản lý. Như vậy, việc quản lý sẽ bớt phức tạp hơn, giải quyết được nhu cầu đang nóng hiện nay, song chỉ nên phát triển các lều trại tạm, trồng hoa tạo cảnh quan dưới khu bán ngập. Đặc biệt, phải đảm bảo không để xây dựng công trình kiên cố trái phép, kiểm soát vấn đề an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường…