Những năm qua, Bắc Ninh không những là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, mà còn trở thành “điểm sáng” của cả nước trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tư duy làm “nông nghiệp xanh” ở địa phương này đã và đang thổi luồng gió mới, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Hiệu quả từ những cánh đồng xanh
Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du đã trở thành điển hình trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2011, khi có nhiều hộ trong thôn trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Văn Hiệp đã tập hợp các gia đình để thành lập Tổ sản xuất rau an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Tổ trưởng và trực tiếp điều hành từ khâu mua giống, lịch gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, kiểm tra nhật ký trồng rau trước khi xuất bán đến kết nối tiêu thụ.
Bình quân mỗi năm, Tổ hợp tác bao tiêu hàng trăm tấn rau cho nông dân.
Từ thành công ban đầu năm 2018, ông Hiệp vận động các thành viên trong tổ hợp tác góp đất, vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan thành lập Hợp tác sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Giám đốc. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh.
Theo ông Hiệp, các thành viên hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp đất, vốn để hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ sản xuất nông sản, hợp tác xã còn hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên trong chăn nuôi; thu hút được gần 150 hộ tham gia, sản xuất trên diện tích hơn 140ha (rau gần 40ha, lúa trên 100ha) với doanh đạt từ 6-7 tỷ đồng/năm.
Hợp tác xã Liên Ấp hiện đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động trong thôn với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ trở thành điểm sáng trong sản xuất, tiêu thụ nông sản xuất, tiêu thụ nông sản mà còn là một trong những hợp tác xã đi đầu trong việc sản xuất lúa thân thiện mới môi trường ở Bắc Ninh.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ, năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh triển khai mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường (gọi tắt là SRI).
Qua thực tế triển khai, chỉ với một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa; tưới ướt-khô xen kẽ; làm cỏ sục bùn; bón phân hữu cơ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh sau thu hoạch, phương pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt so với phương pháp cấy lúa truyền thống.
“Trước khi triển khai mô hình, đa phần người dân đều cho rằng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón là biện pháp tối ưu để tăng năng suất lúa. Tuy nhiên hơn 1 ha trồng thử nghiệm theo mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường đã giúp người dân giảm chi phí, tăng năng suất lúa chứng minh tính hiệu quả từ mô hình. Đến nay, tất cả các hộ trong hợp tác xã đã áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích gần 200ha,” ông Hiệp nói.
[Triển khai kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trong nông nghiệp]
Từ một trang trại nhỏ, năm 2014, chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân, huyện Lương Tài đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế trang trại lên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên diện tích 5ha.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc sản xuất thực phẩm sạch, ngay từ khi thành lập công ty, chị đã hướng đến sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm của công ty dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C.
Đến nay, công ty đã xây dựng được 1,3ha nhà màng, 0,7ha nhà lưới và mở rộng hơn 10ha chuyên trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao tại Bắc Ninh và Hà Giang, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động.
Để giảm công sức, ngày công lao động, công ty đã đưa thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất.
Nhờ đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, công ty có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh; trong đó, nổi bật nhất là dưa leo baby - mặt hàng này luôn trong tình trạng thiếu hàng nhờ chất lượng mẫu mã đẹp.
Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, địa phương hiện có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 160ha; trong đó, có 29 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 154ha, 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích gần 30ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho rằng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng tất yếu trong sản xuất. Đặc biệt, đối với một tỉnh có diện tích đất tự nhiên hẹp, mật độ dân số đông nhưng lại có lợi thế về vị trí địa lý như Bắc Ninh thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là cần thiết.
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XX cũng đã xác định phương hướng của lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng. Đó là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp vận dụng linh hoạt, đồng bộ các giải pháp thông minh vào sản xuất, bằng việc hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Theo ông Trình, để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp bền vững, không bị ảnh hưởng nặng do sự lạm dụng thuốc hóa học trong sản xuất, cần tiến hành đồng bộ giải pháp trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất.
Những năm qua, Bắc Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc sau khi sử dụng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là điều cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn người dân triển khai, nhân rộng mô hình VietGAP, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất.
Để thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng công nghệ cao, Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo nhằm điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp và mở rộng hình thức cho vay tín chấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, Bắc Ninh sẽ tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm; trong đó, tỉnh tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng.
Cùng đó, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đứng ra tích tụ bằng hình thức góp vốn chia theo lợi nhuận, cổ phần để tạo thành vùng hàng hóa tập trung đủ lớn phục vụ chuỗi liên kết, xuất khẩu.../.