Bà Rịa-Vũng Tàu xử phạt nặng đối với các tàu cá vi phạm IUU
13:42 - 18/09/2021
Gần 4 năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Tuy kết quả chưa được như mong muốn, nhưng tỉnh vẫn đang quyết liệt các giải pháp từ nhiều phía để tháo gỡ những khó khăn, sớm gỡ "thẻ vàng" thủy sản trong thời gian sớm nhất.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 5.770 tàu cá; trong đó, có 2.866 tàu cá khai thác xa bờ (chiều dài tàu 15m trở lên). Các phương tiện chủ yếu hoạt động các nghề lưới kéo (giã cào), nghề vây, nghề chụp, lồng bẫy, nghề hậu cần thủy sản và một số ngành nghề khác.
Giai đoạn 2013-2018, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những “điểm đen” nhức nhối về đánh bắt trái phép của cả nước. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng của tỉnh đã quyết liệt vào cuộc với nhiều biện pháp đồng bộ để tiến tới chấm dứt đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cụ thể, để bảo đảm nguồn hải sản khai thác hợp pháp, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của ngư dân trong việc ghi chép nhật ký khai thác; gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định đã được các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương đặc biệt quan tâm.
[Ninh Thuận với giải pháp giúp ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp]
Hiện nay, các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ trên địa bàn tỉnh, trước khi ra khơi, đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của Chi cục Thủy sản. Khi rời cảng, các trạm, đồn biên phòng sẽ tiếp tục kiểm tra xác định tọa độ.
Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ gặp trực tiếp yêu cầu chủ tàu bắt buộc phải điện thoại "lệnh" cho thuyền trưởng phải bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt nghiêm và mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật.
Đến nay, tỉnh đã kiện toàn Tổ công tác 689 tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; đồng thời, thành lập 6 văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá; ban hành quy chế, kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh ký kết quy chế phối hợp với một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thận và Kiên Giang để phối hợp trong quản lý, xử lý tàu cá vi phạm và phối hợp khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC); đồng thời, triển khai bắt buộc các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không bị phạm vùng biển nước ngoài trước khi xuất bến với 2.900 lượt bản cam kết/năm; trong đó tập trung triển khai tới các địa bàn trọng điểm thường xuyên có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài như xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), phường 5 và phường 11 (thành phố Vũng Tàu).
Bên cạnh đó, ngành thủy sản tỉnh cũng tập trung thực hiện lộ trình chuyển đổi, chấm dứt loại hình tàu khai thác nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh. Thực hiện rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn và xử phạt thật nặng đối với các tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.
Đến nay, phần lớn ngư dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, cũng như tuân thủ chấp hành việc gắn thiết bị giám sát hành trình, nhất là trong bối cảnh EC rút "thẻ vàng" cảnh báo đối với thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.
Ông Trần Văn An, ấp Hải An, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết, gia đình đang có 2 tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2019, sau khi được địa phương, Ban Quản lý Cảng cá tuyên truyền về việc lắp đặt thiết bị giám sát và ghi sổ nhật ký khai thác, ông đã thực hiện nghiêm.
Theo ông An, ban đầu có nhiều khó khăn, bởi ngư dân quen làm nghề theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, quá trình đánh bắt trên biển, ông thấy việc lắp thiết bị giám sát hành trình mang lại nhiều lợi ích, giúp tàu không xâm phạm vùng biển nước bạn và khi gặp tai nạn, hay mưa bão cần sự giúp đỡ, thiết bị sẽ giúp lực lượng cứu hộ xác định vị trí của mình nhanh và chính xác hơn.
Với nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, nhận thức của ngư dân, đến nay 100% các tàu khai thác xa bờ đã chấp hành việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua; chủ tàu cá, ngư dân đã có ý thức hơn trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá với tàu có chiều dài trên 24m đã được lắp đặt hơn 97%. Còn các tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m cũng đã lắp đặt được 88,5%.
Nhờ quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản, số vụ vi phạm đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài của tàu cá Bà Rịa-Vũng Tàu đã giảm mạnh.
Cụ thể, nếu như năm 2019 toàn tỉnh xảy ra 14 vụ/31 tàu/249 ngư dân, năm 2020 xảy ra 11 vụ/23 tàu/201 ngư dân và trong hơn 8 tháng năm nay chỉ còn 3 vụ/3 tàu/41 thuyền viên bị bắt giữ.
Vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc xử phạt các tàu cá vi phạm vẫn còn hạn chế, các cơ quan chức năng chưa xử lý mạnh tay được các vụ việc các tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình khi đánh bắt trên biển.
Mặc dù, từ cuối năm 2020 đến nay các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành xử phạt hành chính đối với 616 tàu cá từ 15m trở lên mất kết nối thiết bị giám sát hành trình khi đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tình trạng này xảy ra.
Nhiều ngư dân “lách” các quy định để tắt thiết bị giám sát hành trình khi đánh bắt trên biển hoặc gửi thiết bị giám sát trên tàu cá khác để di chuyển đánh bắt ở nơi khác trên biển.
Bên cạnh đó, tuy tình trạng tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài của Bà Rịa-Vũng Tàu đã giảm mạnh nhưng được đánh giá là chưa bền vững; việc lắp thiết bị giám sát hành trình chưa đảm bảo tiến độ theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Nguyên nhân là do một số tàu đang nằm bờ, một số tàu đang sửa chữa, số còn lại không chấp hành quy định của nhà nước còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Ngoài ra, việc xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn gặp nhiều khó khăn do các chủ tàu còn làm mang hình thức đối phó, né tránh việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Công tác kê khai nguồn gốc thủy sản chế biến do phải thu mua từ nhiều tàu, nhiều địa phương, thậm chí là nhiều tỉnh nên không được ghi chép đầy đủ, khiến lực lượng chức năng khó đối chiếu, truy xuất nguồn gốc.
Cũng theo ông Lê Tòng Văn, hiện nay, nhân sự tại các Văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá chủ yếu là kiêm nhiệm, làm việc theo giờ hành chính nên không thường xuyên có mặt để kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá.
Trước những khó khăn trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sớm đưa ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản tại các cảng cá có chỉ định, lập danh sách các tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sớm hoàn thành việc lắp đặt giám sát hành trình trên các tàu cá; quản lý chặt chẽ hạn ngạch giấy phép khai thác trên các vùng biển; đồng thời, nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm IUU, xác định tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU phải lập danh sách, cập nhật thường xuyên và cung cấp cho cơ quan chức năng liên quan của tỉnh và ngoài tỉnh để theo dõi, giám sát đặc biệt, ngăn ngừa vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng liên quan của tỉnh cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới chủ tàu, thuyền trưởng về việc ghi nhật ký khai thác, khai báo trước khi cập cảng, rời cảng theo đúng quy định.
Ngành nông nghiệp sớm triển khai Đề án chuyển đổi tàu cá nghề lưới kéo và Dự án điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng để làm cơ sở cơ cấu lại ngành nghề khai thác cho phù hợp./.