Ba mối lo khi gầm cầu ở Hà Nội được tận dụng để trông giữ xe

07:04 - 28/09/2023

Ngoài việc gây khó khăn cho công tác bảo trì cầu, nguy cơ cháy nổ, việc tổ chức giao thông, hạn chế xung đột giao thông cũng là những vấn đề đáng lo ngại khi gầm cầu được tận dụng để trông giữ phương tiện.

Cấp bách đầu tư các bãi trông giữ xe

 

Ngay sau khi có bài phản ánh liên quan đến 4 gầm cầu mà Hà Nội đề nghị tiếp tục tổ chức trông giữ xe, Tạp chí GTVT tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc và chuyên gia trong ngành GTVT, cán bộ làm công tác phòng cháy chữa cháy.

Cho rằng việc biến gầm cầu thành điểm trông giữ phương tiện chỉ là giải pháp tình thế, chưa kể còn kéo theo nhiều nguy cơ, hệ lụy, biến tướng, bạn đọc Hằng Phương còn chỉ ra một bất cập của Hà Nội là mật độ dân cư ngày càng cao, đô thị hóa nhanh, trong khi bãi đỗ xe quá ít.

"Tại sao Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch rồi mà không thể đẩy nhanh việc đầu tư, xây dựng các bãi đỗ xe. Hay là cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn, vị trí chưa hợp lý", bạn đọc Hằng Phương đặt câu hỏi.

Một số hình ảnh phương tiện đang được gửi, trông giữ dưới gầm cầu Chương Dương

Tháng 4/2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đến năm 2025 ưu tiên đầu tư 122 vị trí bãi đỗ xe với diện tích khoảng 168ha; giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 đầu tư 115 vị trí bãi đỗ xe với diện tích khoảng 58ha.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, đến nay dù đã gần 1 năm rưỡi, rất nhiều vị trí quy hoạch bãi đỗ xe vẫn án binh bất động. Đơn cử như khu vực Công viên Thống Nhất được quy hoạch 1 bãi xe thông minh 4 tầng tại góc phố Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông, 1 bãi xe ngầm 3 tầng hầm tại 295 Lê Duẩn. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn đang phải sử dụng bãi đỗ tạm trên vỉa hè hoặc trong công viên.

Trước đó, theo tìm hiểu của Tạp chí GTVT, từ năm 2003, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 165/2003/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Tuy nhiên, quy hoạch này chỉ mang tính định hướng, chưa có quy hoạch chi tiết.

Chưa kể, giai đoạn của quy hoạch theo Quyết định 165 là từ năm 2005 – 2020, nhưng đến năm 2008, Thủ đô Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính (sáp nhập tỉnh Hà Tây). Sau đó quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt vào năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô được duyệt năm 2016.

Như vậy quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố từ năm 2003 (quy hoạch theo Quyết định 165) không còn phù hợp với thực tế.

Nêu ý kiến việc trông giữ phương tiện dưới gầm cầu khá tạm bợ, nhếch nhác, nguy cơ cháy nổ cao, bạn đọc Huỳnh Sang cho rằng, Hà Nội cần đẩy nhanh việc đầu tư các bãi gửi xe tại các ga tàu điện, bến xe, điểm trung chuyển xe buýt, đầu mối giao thông, các cửa ngõ.

"Đồng thời, khi duyệt quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại, chung cư cao tầng phải quy định rõ và xử lý nghiêm nếu chủ đầu tư không tuân thủ việc bố trí hệ thống giao thông tĩnh, trong đó đặc biệt là diện tích dành cho đỗ xe", bạn đọc Huỳnh Sang nói thêm.

3 mối lo khi sử dụng gầm cầu để trông giữ xe

Ba mối lo khi gầm cầu ở Hà Nội được tận dụng để trông giữ xe - Ảnh 3.

Gầm cầu Vĩnh Tuy đang được sử dụng để trông giữ phương tiện

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, Th.s Lê Hồng Điệp, Trưởng Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ VN, Bộ GTVT) cho rằng, hiện tại chưa có quy định cụ thể cho việc sử dụng gầm cầu để trông giữ xe. Tại điểm c khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định cấm không được dừng đỗ dưới gầm cầu vượt.

Tại Điều 36 Luật Giao thông đường bộ quy định Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố (bao gồm lòng đường, vỉa hè) nhưng không nói đến gầm cầu.

Trong Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BGTVT ngày 21/4/2022 của Bộ GTVT "Nghị định Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ" có quy định không được sử dụng đất dành cho đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ; neo đậu tàu, thuyền và xây dựng các công trình làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở mất an toàn công trình cầu, cầu phao, bến phà, kè chỉnh trị dòng nước và kè chống xói nền đường.

"Theo tôi việc sử dụng gầm cầu để trông giữ xe có 3 mối lo. Thứ nhất là trật tự ATGT, khi xe ra, vào làm ảnh hưởng đến luồng giao thông chính, nhiều nguy cơ gây xung đột giao thông, gia tăng khả năng gây un tắc tại các khu vực giao thông đông đúc. Thứ hai là đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, phương án và trang bị phòng cháy chữa cháy. Bởi trong trường hợp cháy ở dưới gầm cầu còn nguy hiểm hơn là trên mặt cầu. Đối với cầu mới, kết cấu được bảo vệ bởi lớp bê tông dày 2 - 2,5cm trở lên thì không ảnh hưởng lắm nhưng với những cây cầu đã tiến hành sửa chữa, gia cường bằng sợi thủy tinh carbon hay sử dụng cáp dự ứng lực thì khả năng chịu nhiệt sẽ kém hơn, gây hư hại nghiêm trọng đến kết cấu. Cuối cùng là khó khăn trong công tác bảo trì cầu", ông Điệp nêu ý kiến.

Phương tiện đang được gửi trông giữ dưới chân cầu vượt Ngã tư Vọng

Cũng theo ông Điệp, tại một số quốc gia châu Âu, mật độ giao thông không lớn như Việt Nam nên gần như không sử dụng gầm cầu cho mục đích khác.

Còn ở số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… có sử dụng gầm cầu cho việc trông giữ xe, nhưng thường là ở những vị trí cầu cạn rất cao và thoáng.

Về hướng giải quyết, theo ông Điệp, cần phải có tiêu chí, tiêu chuẩn hoàn thiện trong hệ thống pháp luật là những nơi nào được sử dụng để trông giữ xe. Bên cạnh đó, cần thẩm định về chất lượng cầu, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo vệ sinh môi trường, xác định các loại phương tiện được để trong khu vực gầm cầu. Đồng thời, nếu cho trông giữ xe thì chất lượng cây cầu đó phải tốt, chưa qua gia cố, gia cường.

Trong khi đó, một cán bộ cảnh sát phòng cháy chữa cháy cho rằng, nguy cơ cháy nổ phương tiện giao thông là cao và khi đã tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu thì các biện pháp phòng cháy chữa cháy tại chỗ cũng không được lơ là, tùy tiện, bởi khi xảy ra cháy nổ sẽ lan ra rất nhanh khi phương tiện tập trung ở cùng một khu vực.

Mới đây, UBND TP Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ GTVT thống nhất việc tiếp tục tạm thời tổ chức bãi giữ xe dưới 4 gầm cầu: Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch để phục vụ nhu cầu người dân.

Trả lời đề nghị của TP. Hà Nội, trong Công văn số 9881 ngày 5/9/2023, Bộ GTVT cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, bãi đỗ xe không thuộc danh mục công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Do vậy, về nguyên tắc không được tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ bãi đỗ, dừng xe trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, nhu cầu sử dụng gầm cầu cạn để tận dụng quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng là rất lớn, khi quỹ đất để xây dựng bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt còn hạn chế. Vì vậy, trong dự thảo Luật Đường bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4/2023 đã cập nhật, đưa nội dung sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông giữ xe.

Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông giữ xe không được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ (dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2023).

Nguồn: Ba mối lo khi gầm cầu ở Hà Nội được tận dụng để trông giữ xe | Tạp chí Giao thông vận tải (tapchigiaothong.vn)