Ba Cục phối hợp kiểm tra, ngăn ngừa xảy ra "điểm nóng" vi phạm giao thông đường thủy
12:46 - 14/11/2024
Thực hiện kế hoạch liên ngành năm 2024, Cục Đường thủy nội địa VN phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm VN kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm giao thông đường thủy.
Ngăn ngừa xảy ra "điểm nóng" vi phạm giao thông đường thủy
Nhằm phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, năm 2024, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Cục Đường thủy nội địa VN và Cục Đăng kiểm VN ký kết, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp Liên ngành số 1758. Theo đó, 3 Cục thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình trật tự ATGT trên đường thủy để kịp thời phối hợp chỉ đạo giải quyết các đoạn tuyến, khu vực có dấu hiệu vi phạm phức tạp.
Có thể kể đến, ngày 29/5, Cục Đường thủy nội địa VN có văn bản đề nghị Cục CSGT thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành 3 Cục để kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông thủy tại ngã ba sông Hồng – Lô. Thời điểm trên, khu vực này tập trung nhiều tàu thuyền neo đậu lấn chiếm luồng, hành lang luồng đường thủy để pha trộn, chuyển tải, sang mạn vật liệu cát sỏi. Đoàn kiểm tra liên ngành cấp Cục của Cục CSGT – Cục Đường thủy nội địa VN – Cục Đăng kiểm VN đã tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy tại khu vực ngã ba sông Hồng – Lô, địa phận giáp ranh huyện Ba Vì, TP. Hà Nội với huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc và TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Trong tháng 9 và 10/2024 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành 3 Cục, do lãnh đạo phòng của Cục CSGT làm Trưởng đoàn, tổ chức phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Hưng Yên. Đối tượng kiểm tra gồm: các cảng, bến thủy; cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy; phương tiện có gắn thiết bị hút cát, phương tiện tại các mỏ khai thác cát, các phương tiện chở khách ngang sông, phương tiện thủy hoạt động trên tuyến sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Trà Lý và sông Luộc…
Theo đó, Đoàn liên ngành cấp Cục phối hợp với các đơn vị liên ngành cơ sở kiểm tra 20 cảng, bến thủy, âu tàu, cơ sở đóng phương tiện và bãi tập kết vật liệu xây dựng về việc đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật để hoạt động.
Theo đánh giá của liên ngành, ưu điểm là hầu hết các đơn vị quản lý cảng, chủ bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu xây dựng... có hồ sơ pháp lý, nhưng hạn chế là sử dụng mẫu báo hiệu đường thủy cũ; có lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có bảng niêm yết giá vé đối với bến chở khách ngang sông; không có biển báo giới hạn vùng đất, vùng nước được phép neo đậu của bến; tổ chức cho phương tiện vào neo đậu, xếp, dỡ hàng hoá tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động cảng, bến thuỷ nội địa; để phương tiện neo đậu vượt quá 20 m vùng nước được công bố hoạt động.
Đối với các bến không phép, hết hạn giấy phép, hiện còn những khó khăn, vướng mắc về thủ tục để được cấp phép. Các chủ bến, bãi cam kết với Đoàn liên ngành khắc phục ngay những tồn tại, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ và các quy định khác có liên quan. Tuy vậy, cũng nêu những khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục để xin cấp phép, gia hạn giấy phép hoạt động cảng, bến.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành và liên ngành địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn chủ cảng, bến hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định; nhắc nhở, yêu cầu các công ty, các chủ bến nhanh chóng khắc phục những tồn tại và giao cho liên ngành cơ sở tiếp tục theo dõi, đôn đốc và thường xuyên kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đoàn liên ngành đã yêu cầu các công ty, các chủ bến thực hiện nghiêm các quy định về giao thông đường thuỷ nội địa, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các quy định khác có liên quan.
Đề nghị các địa phương tăng cường quản lý
Về phương tiện, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra gần 100 phương tiện thủy và phát hiện, lập biên bản, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xử lý đối với 15 trường hợp vi phạm. Các trường hợp vi phạm chủ yếu: chở quá vạch dấu mới nước an toàn; không có bảng phân công nhiệm vụ cho từng chức danh trên phương tiện; không có giấy chứng nhận chuyên môn máy trưởng hạng Ba theo quy định; phương tiện quá hạn đăng kiểm; giao cho người không có chứng chỉ chuyên môn, không có giấy chứng chỉ chuyên môn máy trưởng hạng Nhất…
Từ thực tế kiểm tra và nắm bắt tình hình thực tế, Đoàn kiểm tra liên ngành 3 Cục đề nghị liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy của tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên kiến nghị đề xuất Ban ATGT tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, như: Sở GTVT, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND cấp huyện tại địa phương tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thủy theo quy định pháp luật; nhất là việc hướng dẫn trình tự thủ tục đề nghị công bố bến thủy nội địa, thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Trong đó, đối với công tác quản lý, cấp phép, công bố hoạt động cảng, bến thủy: Sở GTVT các địa phương phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo tiến hành rà soát tổng thể đối với các cảng, bến thủy tại địa phương. Các vị trí bến thủy nội địa nằm trong quy hoạch hoặc bến thủy nội địa có đủ điều kiện để đưa vào quy hoạch, hướng dẫn thủ tục đề nghị công bố hoạt động theo quy định, tạo điều kiện về thuê đất, bổ sung quy hoạch và các thủ tục hành chính khác để công bố hoạt động theo quy định (Nghị định số 06/2024/NĐ-CP ngày 25/02/2024 của Chính phủ).
Đối với các bến thủy không nằm trong quy hoạch của địa phương, kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi hợp đồng thuê đất. Đối với các bến thủy có trong quy hoạch nhưng vướng thủ tục khác, không thể cấp phép hoạt động thì đưa ra khỏi quy hoạch.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Công an các tỉnh trên chỉ đạo Phòng CSGT, Công an các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tiếp tục có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên ngành bảo đảm ATGT ở cơ sở tăng cường giám sát hoạt động và kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các bến thủy nội địa hết hạn hoạt động, hoạt động không phép.
Nguồn: 3 Cục phối hợp kiểm tra, ngăn ngừa xảy ra "điểm nóng" vi phạm giao thông đường thủy