ASEAN va An Do thong qua ke hoach cong tac du lich 2023-2027 hinh anh 1Các đại biểu Ấn Độ tìm hiểu sản phẩm du lịch của các tỉnh Nam Trung Bộ của Việt Nam. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN-Ấn Độ lần thứ 10 được tổ chức vào ngày 4/2 trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại thành phố Yogyakarta của Indonesia, ASEAN và Ấn Độ đã thông qua Kế hoạch Công tác Du lịch giai đoạn 2023-2027.

Kế hoạch trên gồm 17 hoạt động nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược Du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn 2016-2025, Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN (ATMS) giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch Phục hồi Du lịch ASEAN hậu COVID-19, Khung phát triển du lịch bền vững ASEAN, và Tuyên bố Phnom Penh về chuyển đổi du lịch ASEAN.

Diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Salahuddin Uno và Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN Jayant N. Khobragade, hội nghị nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng để cải thiện việc làm cho cộng đồng địa phương theo Tuyên bố Phnom Penh về chuyển đổi du lịch ASEAN được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11/2022.

Về các hoạt động xúc tiến, quảng bá, Hội nghị nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các hoạt động trong Chương xúc tiến Du lịch ASEAN-Ấn Độ, với mục đích nâng cao nhận thức về các điểm đến ASEAN tại thị trường Ấn Độ. Các hoạt động được xác định bao gồm mở rộng phạm vi một số lĩnh vực ưu tiên chiến lược của ASEAN cho năm 2023 trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), chẳng hạn như nền kinh tế tuần hoàn và khử carbon, số hóa và du lịch sinh thái. tiếp cận logo và khẩu hiệu mới của du lịch ASEAN “Điểm đến cho mọi giấc mơ."

[ASEAN+3 thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch bền vững]

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh rằng Ấn Độ là thị trường nguồn quan trọng của ngành du lịch ASEAN với dân số đông, tầng lớp trung lưu tăng mạnh và nhu cầu du lịch cao. Giai đoạn 2015-2019, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng trưởng trung bình 27%/năm. Năm 2022, sau khi mở cửa trở lại đón du khách, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đã phục hồi 81% so với năm 2019 và là một trong những thị trường phục hồi mạnh mẽ nhất.

 

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết kết quả ấn tượng trên là nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và hàng không trong nỗ lực tăng cường kết nối và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Từ năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam đã mở nhiều đường bay mới kết nối 4 thành phố của Việt Nam với 6 thành phố lớn của Ấn Độ. Tháng 12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, góp phần quảng bá, xúc tiến hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam tại Ấn Độ.

Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác du lịch giữa ASEAN-Ấn Độ đã nhận được sự quan tâm của hai bên. Một số hoạt động quảng bá đã được triển khai thông qua Chi hội Xúc tiến Du lịch ASEAN tại Ấn Độ; các hội thảo đào tạo cũng được lên kế hoạch tổ chức, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng với tiềm năng và tầm quan trọng của thị trường Ấn Độ, hai bên còn nhiều cơ hội và không gian để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định rằng, với 7 nhóm nhiệm vụ chính rất thiết thực và phù hợp với nhu cầu của hai bên được thống nhất trong Kế hoạch Công tác Du lịch ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2023-2027, Việt Nam sẽ phối hợp cùng các nước thành viên ASEAN để cùng nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng trao đổi khách và tạo thuận lợi hơn nữa cho trải nghiệm của khách du lịch Ấn Độ./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)