An toàn và sức khỏe nơi làm việc: Đối thoại xã hội là chìa khóa
12:36 - 02/05/2022
Sự hợp tác giữa các bên trong thế giới việc làm là rất cần thiết để đảm bảo các biện pháp đưa ra được người sử dụng lao động và người sử dụng lao động đồng tình và ủng hộ. Điều này góp phần đưa các biện pháp triển khai hiệu quả hơn trong thực tế đó là một nhận định quan trọng, xuyên suốt được nêu ra tại Báo cáo “Tăng cường đối thoại xã hội hướng tới văn hóa an toàn và sức khỏe”.
Ở nhiều quốc gia, sự hợp tác này dẫn tới việc thông qua các yêu cầu pháp lý thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ các biện pháp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp nhiễm Covid -19 tại nơi làm việc đến việc tổ chức làm việc từ xa.

Chẳng hạn ở Áo, các đối tác xã hội (tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động) đã thương lượng và đạt được một thỏa thuận về công tác kiểm tra mang tính hệ thống tại nơi làm việc trong các lĩnh vực đặc biệt có nguy cơ cao bị lây nhiễm virus (lĩnh vực bán lẻ…). Tại Singapore, những thay đổi trong quy định về tiêm chủng đã được áp dụng sau khi tham khảo ý kiến và thảo luận với các đối tác ba bên. Tại Nam Phi, các cuộc thảo luận ba bên (Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động) đã được tổ chức để sửa đổi các biện pháp giải quyết tình trạng lây nhiễm Covid -19 tại nơi làm việc.
Các cơ quan quốc gia ba bên về an toàn sức khỏe nghề nghiệp cũng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch. Các cơ quan này thường gồm đại diện của chính phủ (Bộ Lao động, các bộ ngành và cơ quan liên quan khác), cũng như các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động và người lao động. Ở nhiều quốc gia, tham gia các cơ quan ba bên còn đại diện của các tổ chức khác như các hiệp hội an toàn sức khỏe nghề nghiệp và các tổ chức học thuật theo cơ chế thường trực hoặc đột xuất.
Báo cáo còn cho thấy, trong cuộc khủng hoảng Covid -19, nhiều cơ quan ba bên về an toàn sức khỏe nghề nghiệp ở các quốc gia đã tham gia vào quá trình ra quyết định ở cấp quốc gia; họ cũng tham gia quyết định các biện pháp phong tỏa và hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, chiến lược quay trở lại làm việc và các chỉ dẫn hoặc hướng dẫn khác để giảm thiểu tác động của Covid -19. Đơn cử, tại Philippines, các cấu trúc ba bên quốc gia về an toàn sức khỏe nghề nghiệp (Ủy ban Điều hành Ba bên và Hội đồng Công nghiệp Ba bên Quốc gia) đã tham gia thiết kế và thực hiện các hướng dẫn để đảm bảo chất lượng thông gió tại nơi làm việc và giao thông công cộng nhằm phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm Covid -19.
Tăng đối thoại
Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder, cho rằng: “Khi thế giới tiếp tục phải đối mặt với những tác động của cuộc khủng hoảng Covid -19 và quá trình phục hồi không đồng đều, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các biện pháp ứng phó của các quốc gia. Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng này về tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong việc tăng cường an toàn và sức khỏe ở cấp quốc gia và nơi làm việc cần được áp dụng trong những lĩnh vực khác. Làm như vậy sẽ giúp giảm số ca bệnh tật và tử vong liên quan tới nghề nghiệp hàng năm – hiện đang ở mức quá cao”.
Hiện, Việt Nam đã phê chuẩn hai công ước liên quan đến vấn đề này, bao gồm Công ước quan trọng số 155 (Công ước An toàn và Sức khỏe) và số 187 (Công ước về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động).

Việt Nam đã tham gia hai công ước về an toàn lao động. Nguồn: ITN
Giám đốc ILO Việt Nam Ingrid Christensen cho rằng, người lao động nên cảm thấy thoải mái chia sẻ những băn khoăn của họ về những mối nguy hiểm hay rủi ro tiềm tàng tại nơi làm việc và quản lý phải chủ động giải quyết các vấn đề đó. Một đối thoại mở và tôn trọng lẫn nhau là điều kiện tiên quyết cho những đối thoại hiệu quả ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.
"Những nơi làm việc có tỷ lệ tham gia của người lao động cao thì tỷ lệ tai nạn giảm 64% và tỷ lệ phải nhập viện giảm 58%. Các chấn thương hay bệnh tật do lao động cần phải được ngăn chặn. Xây dựng một văn hóa ngăn ngừa thông qua đối thoại xã hội sẽ đóng góp và lực lượng lao động mạnh khỏe, doanh nghiệp năng suất và nền kinh tế bền vững" - bà Ingrid Christensen viện dẫn.
Ngay từ lúc đại dịch Covid -19 bùng phát, người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ ở các quốc gia đã hợp tác để xây dựng các chính sách và chiến lược tại nơi làm việc để bảo vệ người lao động khỏi virus và các rủi ro liên quan. Ở Việt Nam, ngành điện tử một ví dụ - theo đó Chính phủ phối hợp và đối thoại với các bên liên quan thiết kế các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của virus trong các nhà máy. ILO cũng hỗ trợ các sáng kiến tạo điều kiện cho đối thoại xã hội trong quá trình phục hồi chuỗi cung ứng quan trọng này.
(Link gốc: https://daibieunhandan.vn/doi-thoai-xa-hoi-la-chia-khoa-bhi8ydis7u-82867)
Đình Khoa
https://www.phapluatplus.vn/doi-song/an-toan-va-suc-khoe-noi-lam-viec-doi-thoai-xa-hoi-la-chia-khoa-d181152.html