An ninh trên không - công việc bí mật nhất trong ngành hàng không

14:24 - 03/12/2023

Với vẻ ngoài như hành khách bình thường nhưng được quyền mang vũ khí, lực lượng an ninh trên không có nhiệm vụ bí mật đảm bảo an ninh và phòng, chống khủng bố trên các chuyến bay tại Mỹ.

Michael LaFrance hướng dẫn học viên cách sử dụng cầu trượt thoát hiểm trên máy bay tại Trung tâm Huấn luyện thuộc Cục An ninh Vận tải Mỹ. (Nguồn: Washington Post)
Michael LaFrance hướng dẫn học viên cách sử dụng cầu trượt thoát hiểm trên máy bay tại Trung tâm Huấn luyện thuộc Cục An ninh Vận tải Mỹ. (Nguồn: Washington Post)

Với đôi mắt xanh xám, đầu cạo trọc và bộ râu màu muối tiêu cùng cánh tay đầy những hình xăm, Michael LaFrance trông như điệp viên Jason Bourne trên màn ảnh. Ngoài đời thực, LaFrance cũng làm một công việc bí mật: Cảnh sát hàng không liên bang.

LaFrance là sỹ quan an ninh trên không phụ trách hoạt động đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện thuộc Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSATC), nằm gần Sân bay Quốc tế Thành phố Atlantic.

Cảnh sát hàng không liên bang là cơ quan an ninh công cộng bí mật được thành lập để đối phó với một loạt vụ cướp máy bay vào những năm 1960. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, lực lượng an ninh trên không được điều chuyển trực thuộc Bộ An ninh Nội địa và Cục An ninh Vận tải Mỹ. Số lượng nhân viên an ninh trên không cũng tăng từ 33 lên hàng nghìn người.

Ngày nay, con số chính xác vẫn được giữ bí mật. Họ di chuyển như hành khách bình thường nhưng được mang vũ khí lên các chuyến bay.

Hành khách không thể biết có bao nhiêu sỹ quan an ninh trên không hoặc họ ngồi ở đâu trên máy bay.

Những gì họ có thể tiết lộ là các nhân viên an ninh trên không luôn di chuyển theo đội và không bao giờ đơn độc. Họ không có mặt trên mọi chuyến bay vì đơn giản Cục Hàng không Liên bang xử lý tới hơn 45.000 chuyến bay mỗi ngày. Đôi khi họ tiết lộ với tiếp viên về việc mình có mặt trên máy bay; đôi khi họ không làm vậy.

Họ có quyền nói dối để che đậy hoặc tiết lộ bản thân khi thấy phù hợp. Ví dụ: nếu một hành khách gây rối, họ có thể thông báo danh tính với hành khách để giúp giảm bớt tình hình căng thẳng.

Quy trình nghiêm ngặt để trở thành nhân viên an ninh trên không

Để trở thành nhân viên an ninh trên không, ứng viên phải là công dân Mỹ trong độ tuổi từ 21 đến 36, mặc dù họ có thể có ngoại lệ đối với các cựu quân nhân trên 36 tuổi. Họ cần phải có bằng cử nhân hoặc ba năm kinh nghiệm làm việc liên quan.

Họ phải trải qua cuộc kiểm tra ma túy cũng như kiểm tra lý lịch hình sự và tài chính. Họ phải thực hiện các cuộc phỏng vấn, đánh giá về tinh thần và thể chất, bài kiểm tra nói dối và đánh giá rèn luyện thể chất.

an ninh tren khong 3.jpg
Các học viên an ninh trên không tại Trung tâm Huấn luyện thuộc Cục An ninh Vận tải Mỹ. (Nguồn: Washinton Post)

LaFrance cho biết công việc này thu hút nhiều ứng viên từ các thành phần khác nhau, nhưng thông thường họ chỉ tuyển những người đã từng làm việc trong quân đội, cơ quan thực thi pháp luật hoặc chính phủ.

Giai đoạn huấn luyện đầu tiên kéo dài trong khoảng bảy tuần mà LaFrance tại Trung tâm Đào tạo Thực thi Pháp luật Liên bang ở Glynco, Georgia.

Cùng với các học viên thuộc các đơn vị khác như Sở Mật vụ hoặc cảnh sát đường sắt Amtrak, chương trình đào tạo cơ bản của họ bao gồm kiểm soát đám đông, bảo vệ hiện trường vụ án, ứng phó với các cá nhân gặp khủng hoảng sức khỏe tâm thần...

Học cách còng tay trên lối đi máy bay

Trong suốt tám tuần rưỡi, các học viên tìm hiểu nhiệm vụ của một nhân viên an ninh trên không, bao gồm các kỹ thuật quan sát, nghiệp vụ điều tra, thể lực, chiến thuật trên máy bay, các mối đe dọa chính và đặc biệt là bắn súng.

Lực lượng an ninh trên không có yêu cầu bắn súng khắt khe nhất trong số các đơn vị thực thi pháp luật. Để tốt nghiệp, học viên phải đạt được số điểm để trở thành người hướng dẫn sử dụng súng trong các lĩnh vực thực thi pháp luật khác.

an ninh tren khong 1.jpg
Học viên thực hành diễn tập đối phó với các mối đe dọa hàng không. (Nguồn: Washington Post)

Học viên thực hiện các cuộc diễn tập dưới áp lực cao được thiết kế để mô phỏng một cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như một có kẻ tấn công bằng súng và tấn công khủng bố, cũng như các tình huống có mức độ rủi ro thấp hơn như những du khách gây rối.

LaFrance cho biết mặc dù chương trình an ninh trên không bắt nguồn từ nhiệm vụ chống khủng bố, nhưng việc đối phó với những hành khách ngỗ ngược hoặc say xỉn luôn là một phần công việc.

Tiếp viên hàng không được đào tạo để đối phó với hành khách ở một mức độ nhất định, nhưng một khi nó trở thành một cuộc tấn công và đe dọa sự an toàn của người khác, “đó có thể là lý do để đội an ninh trên không vào cuộc,” LaFrance nói.

Trong những căn phòng có sàn đệm để huấn luyện chiến đấu, học viên học cách khuất phục những hành khách ngỗ ngược bằng cách sử dụng các công cụ như còng tay.

Trong những căn phòng có mô hình cabin máy bay, cầu ống lồng và nhà ga, các học viên học cách sử dụng những kỹ năng đó trong những bối cảnh thực tế hơn.

Người hướng dẫn sẽ làm cho môi trường tập luyện trở nên căng thẳng hơn bằng cách bật nhạc lớn và/hoặc tắt đèn để học viên phải học cách giải quyết các khó khăn như hạn chế tầm nhìn, nhịp tim tăng hay mất thính giác tạm thời.

Trong lớp học, họ cũng được học về các kỹ năng cấp cứu, chiến lược giám sát và giải quyết các tác động tâm lý do sự căng thẳng trong công việc này, như chứng kiến các vụ tấn công hoặc sử dụng vũ lực./.