An Giang: Tưởng niệm các nạn nhân trong Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

15:46 - 24/04/2024

Cụm công trình Công viên văn hóa và bia tưởng niệm đồng bào Ba Chúc bị quân diệt chủng Pol Pol thảm sát năm 1978 ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, có tổng kinh phí xây dựng gần 4,77 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thắp nhang tưởng niệm nạn nhân Ba Chúc bị giặc Pol Pot thảm sát. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Lãnh đạo huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thắp nhang tưởng niệm nạn nhân Ba Chúc bị giặc Pol Pot thảm sát. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Sáng 24/4, tại thị trấn Ba Chúc, Ủy ban Nhân dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang tổ chức khánh thành Công viên văn hóa và bia tưởng niệm đồng bào Ba Chúc bị quân diệt chủng Pol Pot thảm sát năm 1978 (từ ngày 18/4/1978-30/4/1978) và Lễ tưởng niệm những nạn nhân bị sát hại trong Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam lần thứ 46.

Cụm công trình Công viên văn hóa và bia tưởng niệm đồng bào Ba Chúc bị quân diệt chủng Pol Pol thảm sát năm 1978 được xây dựng gần núi Tượng.

Bia tưởng niệm với biểu tượng hoa súng, tượng trưng cho sự thanh khiết, rực rỡ, vươn lên mạnh mẽ trong khó khăn như người dân vùng đất Ba Chúc kiên cường.

Cụm công trình gồm Công viên văn hóa có tổng kinh phí xây dựng gần 4,77 tỷ đồng với 3 hạng mục là nâng cấp, mở rộng đường kênh T6, cải tạo kè chống sạt lở kênh T6 và vẽ tranh nghệ thuật.

Công trình bia tưởng niệm có tổng kinh phí 938 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư cụm công trình gần 5,71 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện và nguồn vốn xã hội hóa.

 
TTXVN_2404BachucAnGiang2.jpg
Lãnh đạo huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cắt băng khánh thành cụm Công viên Văn hóa và Bia tưởng niệm đồng bào Ba Chúc bị bọn giặc Pol Pot thảm sát. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Công viên văn hóa và bia tưởng niệm đồng bào Ba Chúc được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương có nơi để tưởng niệm người thân đã mất và phục vụ hoạt động văn hóa của bà con.

Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ 3.157 nạn nhân vô tội sống ở khu vực núi Tượng và núi Dài bị quân diệt chủng Pol Pot sát hại.

Ngoài ra, còn có các hoạt động như lễ khai kinh, cầu siêu cho những người đã khuất; đốt hoa đăng, bày tỏ lòng thương nhớ những người đã khuất và mong ước vùng đất Ba Chúc luôn bình an, hạnh phúc...

Thể hiện trách nhiệm và tình cảm đối với những người dân Ba Chúc vô tội đã khuất, ngay sau khi Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam kết thúc, Đảng, Nhà nước và tỉnh An Giang đã cho xây dựng Nhà mồ Ba Chúc.

Đến năm 2013, tỉnh An Giang nâng cấp thành Khu Di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc nhằm tưởng nhớ những nạn nhân bị thảm sát và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau.

Hiện nay, tại đây còn lưu giữ bảo quản 1.159 sọ, trong đó có 1.017 sọ đã xác định tuổi và giới tính.

Ông Phạm Minh Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Ba Chúc cho biết năm 1980, quần thể di tích Nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Sau đó, quần thể di tích hai lần được Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang trùng tu, nâng cấp trên khuôn viên rộng 4ha, trong đó, Khu di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc được xây dựng hoàn chỉnh năm 2013; hài cốt trưng bày trong nhà mồ được Bảo tàng tỉnh An Giang bảo quản định kỳ để tồn tại lâu dài.

Ông Phạm Minh Hiền cho biết việc tổ chức Lễ tưởng niệm nhằm nhắc nhở thế hệ mai sau không được phép quên những gì đau thương từng xảy ra, biết trân quý giá trị của hòa bình, cùng đoàn kết, nỗ lực xây dựng Ba Chúc nói riêng, quê hương đất nước nói chung ngày thêm giàu đẹp./.

Nguồn: An Giang: Tưởng niệm các nạn nhân trong Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam | Vietnam+ (VietnamPlus)