Tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới An Giang đang có dấu hiệu gia tăng hoạt động phát trở lại, nhất là giai đoạn bước vào mùa nước nổi, với nhiều thủ đoạn tinh vi để vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là vàng, ma túy, tiền tệ... lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã chủ động giải pháp, siết chặt địa bàn nhằm kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả.
Buôn lậu vàng, ngoại tệ diễn biến phức tạp
Theo ông Lưu Tuấn Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang, những tháng đầu năm 2024, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, tuy nhiên, lại tiềm ẩn rủi ro cao về buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ, ma túy, vàng qua biên giới.
Từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan tỉnh An Giang đã chủ trì, phối hợp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.
Mới đây, ngày 1/8, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình (Cục Hải quan tỉnh An Giang) đã chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) và Công an huyện An Phú (tỉnh An Giang) phát hiện đối tượng Tang Hour (sinh năm 1982, sống tại thành phố Phnom Penh, Campuchia) vận chuyển trái phép 1,2kg vàng từ Việt Nam về Campuchia sau khi thực hiện thủ tục soi chiếu hành lý (vì nghi vấn vận chuyển hàng lậu).
Trước đó, ngày 12/6/2024, qua quản lý địa bàn và tiếp nhận tin báo từ quần chúng tại khu vực vành đai biên giới thuộc Tổ 3, khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú (tỉnh An Giang), lực lượng chức năng đã bắt giữ một đối tượng dùng xe gắn máy vận chuyển trái phép hơn 530.000 USD để chuẩn bị sang Campuchia.
Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đánh giá thời gian gần đây, An Giang được xác định là một trong những địa bàn nóng, nổi cộm về tình trạng vận chuyển trái phép ngoại tệ, vàng.
Lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp và đã phát hiện được nhiều vụ vi phạm. Điển hình, đầu tháng 4/2024, qua nắm tình hình, phát hiện một số đối tượng có biểu hiện hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, ngày 2/4/2024, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát Điều tra phối hợp các đơn vị nghiệp vụ mật phục, phát hiện bắt quả tang Nguyễn Thành Phi (sinh năm 1976, ngụ phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) điều khiển xe gắn máy, biển số 67B2-390.90 vận chuyển 1 bọc nilon màu đen chứa 150.000 USD từ khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Nguơn (thành phố Châu Đốc) đang chạy về hướng biên giới Việt Nam-Campuchia.
Qua khai thác, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh An Giang đã chứng minh 2 đối tượng liên quan là Ngô Thị Thạch (sinh năm 1958) và Hồ Ngọc Lài (sinh năm 1983, cùng ngụ khóm Vĩnh Tân, phường Vĩnh Nguơn).
Ngày 11/4/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 3 bị can về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Ngoài việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ vận chuyển vàng, tiền tệ trái phép qua biên giới, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới của tỉnh An Giang luôn bám sát, áp dụng đúng, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát và trao đổi thông tin với lực lượng chức năng; duy trì tham gia hoạt động của Trạm liên ngành; qua đó, góp phần kéo giảm và kiểm soát được tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tăng cường biện pháp đấu tranh
Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết hoạt động buôn lậu trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian gần đây được tổ chức chặt chẽ với phương thức, thủ đoạn tinh vi, có sự phân công vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng và những chiêu trò đối phó với lực lượng chống buôn lậu.
Các đối tượng cầm đầu không trực tiếp thực hiện mà thuê người làm thay, chủ yếu là dùng lợi ích kinh tế để thu hút và gắn chặt họ vào đường dây.
Một số đối tượng có tiền án, tiền sự có nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi hơn đối với công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng chức năng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 528 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu và hàng giả, giảm 137 vụ, giảm 20,6% (528/665 vụ) so cùng kỳ năm 2023, liên quan 480 đối tượng. Tổng trị giá hàng hóa khoảng 28,4 tỷ đồng, tăng 12,9 tỷ đồng, tăng 83,2% (28,4/15,5 tỷ đồng) so cùng kỳ năm 2023.
Đã xử lý hình sự 12 vụ, 19 bị can; xử lý hành chính 315 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu 6,1 tỷ đồng, các vị còn lại đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Công an tỉnh An Giang nhận định hiện nay, phía đối diện biên giới tỉnh An Giang có nhiều điểm tập kết hàng hóa, đa dạng về chủng loại, nhiều hình thức, mẫu mã, giá cả thị trường thấp hơn hoặc ngang bằng hàng hóa cùng loại được sản xuất trong nước.
Đồng thời, do tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng nên tình hình buôn lậu tiềm ẩn phức tạp, các đối tượng tìm mọi cách để nhập lậu hàng hóa vào nội địa, hàng lậu chủ yếu là thuốc lá, mỹ phẩm, phụ tùng xe, hàng điện tử, bánh kẹo...
Nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác để huy động sự tham gia và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp, kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đặc biệt, tỉnh An Giang xác định đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, hàng giả, hàng kém chất lượng là “cuộc chiến” luôn không có hồi kết và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và liên tục của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết xử lý không có vùng cấm.
Đồng thời, tập trung làm rõ các tổ chức, đường dây buôn lậu, nhất là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để hình thành điểm nóng, địa bàn phức tạp gây bức xúc dư luận xã hội.Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng tập trung làm tốt việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, công chức; nâng cao tinh thần trách nhiệm kết hợp với phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật./.
Nguồn: An Giang: Chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới | Vietnam+ (VietnamPlus)