Nằm cách trung tâm Hà Nội 45km, làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội, đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, giản dị cùng các phong tục, tập quán của một làng Việt cổ.
Làng cổ Đường Lâm không chỉ được biết đến là “đất hai Vua” cùng với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, di tích và nhà cổ mà nơi đây còn sở hữu những tri thức dân gian truyền thống lâu đời, đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực.
Từ lâu, thưởng thức ẩm thực truyền thống là một trong những trải nghiệm đáng giá của du khách khi đến Làng cổ Đường Lâm. Đó cũng là nét đặc trưng, tạo nên sức hấp dẫn và ấn tượng khó quên của du khách về Đường Lâm.
Mộc mạc quà quê
Có lẽ hiếm nơi nào ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ sở hữu nhiều đặc sản truyền thống gắn với tên đất, tên làng như Đường Lâm.
Nhắc tới Đường Lâm, người ta nhớ tới tương Mông Phụ, gà Mía, thịt quay đòn, chè lam, kẹo dồi.... Tất cả những sản vật ấy đều được làm từ những nguyên liệu sẵn có ở một làng quê truyền thống có lối sống nông nghiệp, được các thế hệ kế thừa, trao truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Đấy chính là những tri thức dân gian quý báu mà người dân Đường Lâm nâng niu, giữ gìn.
Đến Làng cổ Đường Lâm, hình ảnh dễ bắt gặp nhất tại các ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi là những chiếc chum đựng tương xếp trước sân nhà.
Gia đình ông Hà Hữu Thể ở xóm Sui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, có nghề làm tương nổi tiếng nhiều đời nay. Từ đường làng rẽ vào con ngõ nhỏ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước không gian thuần Việt dường như chỉ còn thấy trên phim ảnh.
Căn nhà gỗ 7 gian hai dĩ lợp mái ngói rêu phong có niên đại gần 3 thế kỷ này là nơi sinh sống của 13 thế hệ kế tiếp nhau. Không chỉ giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà cổ, ông Thể còn nỗ lực giữ nghề làm tương truyền thống của gia đình.
Ông tự hào chia sẻ: “Gia đình tôi mỗi năm sản xuất từ 5.000-7.000 lít tương cung cấp cho các đại lý và du khách. Để có những mẻ tương thơm ngon, trước tiên phải có nguyên liệu chất lượng, sau đó là điều kiện thời tiết thuận lợi và bí quyết được tích lũy qua nhiều đời. Chính kinh nghiệm “cha truyền con nối” này đã giúp chúng tôi giữ gìn và tạo nên thương hiệu tương Mông Phụ nhiều năm qua.”
Để có những mẻ tương thơm ngon, vào khoảng tháng Sáu hàng năm, khi nắng Hè lên tới đỉnh điểm, người Đường Lâm bắt đầu cho gạo vào xay, giã.
Sau đó, họ ngâm, đãi gạo nếp cái hoa vàng và đồ thành xôi, để nguội rồi đem ủ mốc cho có màu vàng như màu hoa cải. Đó mới là mốc tương chuẩn. Bí quyết để làm nên vị tương thơm ngon đặc biệt là dùng nước giếng Giang - giếng đá ong cho dòng nước trong và ngọt hơn các giếng khác trong làng. Sau đó, người ta cho các nguyên liệu vào chum, phơi dưới nắng Hè cho ngấu. Đó là kinh nghiệm tạo nên thứ tương khác biệt chỉ Đường Lâm mới có.
Cũng vẫn là món thịt gà nhưng thịt từ con gà Mía - loại gà nổi tiếng thơm ngon của Đường Lâm, đã tạo nên sự khác biệt.
Gà Mía là một đặc sản nổi tiếng của Đường Lâm. Xưa kia, Đường Lâm còn có tên là Kẻ Mía, vì thế, giống gà quý nuôi tại đây được gọi là gà Mía - đặc sản chỉ dâng cúng thần thánh và cung tiến vua. Ngày nay, gà Mía được người dân bảo tồn nguồn gene và phát triển thành sản phẩm nông nghiệp cao cấp của Đường Lâm.
Kinh nghiệm du lịch làng cổ Đường Lâm không thể bỏ qua món gà mía thơm ngon, hấp dẫn. Đây không chỉ là sản vật quý mà còn là món đặc sản tuyệt ngon từng chỉ dành riêng cho vua chúa. Loại gà này được nuôi lớn bằng ngô, thóc, sắn có dáng nhỏ, da đỏ au và khi trọng lượng khoảng 2kg da sẽ chuyển vàng.
Cho đến nay, gà Mía là món ăn tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc thường được dâng lên tổ tiên khi Tết đến Xuân về hay dịp lễ, hội làng. Tuy không còn quý hiếm như xưa nhưng món ăn bổ dưỡng này vẫn được thực khách ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà rất riêng của nó. Thịt gà Mía phải sử dụng khi thịt hấp đã nguội mới thấm được vị ngọt, thơm, mềm của thịt gà.
Lý do khiến làng cổ Đường Lâm trở thành một trong những điểm đến lý thú gần Hà Nội cho mọi gia đình một phần là do nền ẩm thực làng cổ Đường Lâm với những món ăn dân dã nhưng không kém phần đặc sắc tại đây. Đường Lâm còn nổi tiếng với món thịt quay đòn với hương thơm, vị ngon đặc trưng.
Nguyên liệu làm ra món ăn này là thịt ba chỉ với lớp da dày, hạt tiêu, nước mắm và không thể quên lá ổi thái nhỏ. Tảng thịt được tẩm ướp vừa đủ; quấn lên đòn tre và quay trong lò than hoa 6 tiếng. Trong khoảng thời gian đó người thợ nướng thịt cần tập trung để điều chỉnh mức nhiệt sao cho vừa đủ và vị trí của đòn quay đảm bảo thịt chín đều; ngon mắt.
Thành phẩm là miếng thịt vàng ruộm với phần bì giòn tan cùng hương thơm khó thể quên. Phần thịt quay ngọt đặc trưng; đậm vị khiến du khách ăn mãi không ngấy.
Đường Lâm có khoảng 4-5 hộ sản xuất thịt quay đòn; trong đó gia đình ông Kiều Văn Lương, thôn Đông Sàng nổi tiếng với việc sản xuất món ăn này. Bên cạnh đó, chả nướng xiên lỗ, nem rán, đậu phụ rán ở đây không quá ngấy mà mang tới hương vị nhẹ nhàng, dễ thưởng thức. Bên cạnh đó, những món gỏi rau, canh thập cẩm... cũng hấp dẫn không kém bởi sự thanh mát, hợp khẩu vị.
Một đặc sản khác không thể bỏ qua khi tới Đường Lâm là món chè lam. Vốn là đặc sản truyền thống của xứ Đoài, nhưng chè lam Đường Lâm vẫn có hương vị riêng, được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản như bột gạo nếp rang, mạch nha, gừng tươi, đường mật, lạc rang.... Cùng với kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam là thứ quà dân dã, thân thuộc mang hồn cốt làng quê Việt Nam nói chung và Làng cổ Đường Lâm nói riêng.
Cũng nằm ở xóm Sui, thôn Mông Phụ, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng sở hữu ngôi nhà cổ gần 400 năm tuổi và nghề làm chè lam lâu đời. Khác với các vùng khác, chè lam do gia đình ông sản xuất luôn dẻo quánh, thoảng vị ngọt của mật mía, mạch nha cùng hương thơm của gạo nếp cái hoa vàng, gừng tươi... Tất cả nguyên liệu hòa quyện vào nhau, tạo nên thứ đặc sản dân dã quen thuộc của Làng cổ Đường Lâm. Du khách sau khi tham quan, lưu trú tại đây đều mua chè lam do chính gia đình ông sản xuất về làm quà cho người thân.
Các món ăn ẩm thực ở làng cổ Đường Lâm vẫn thường thiên về các phương pháp thủ công truyền thống. Mặc dù ngày nay, một số hộ cũng đã thực hiện các quy trình cơ giới hóa dây chuyền máy móc. Tuy nhiên, có những sản phẩm bắt buộc vẫn phải dùng phương pháp thủ công như cách thức nấu kẹo dồi đòi hỏi phải tập trung và độ chính xác cao, nếu không sẽ bị tổn thất và không cho ra được sản phẩm như ý. Ướp thịt quay đòn cũng vậy.
Gần đây, tận dụng lợi thế nguyên liệu của làng quê, người dân Làng cổ Đường Lâm đã sáng tạo ra những món ăn hấp dẫn, thanh tao - đó là cỗ sen. Các món ăn trong mâm cỗ sen đều được sử dụng từ cây hoa sen, có thể là nguyên liệu chế biến trực tiếp hoặc sử dụng để cuốn, bọc món ăn.
Một mâm cỗ sen tới gần 10 món, trong đó có những món độc đáo như Cánh hoa sen chiên, nem sen, súp sen gà, củ sen hầm.... Thời điểm này đang là mùa sen nên việc chế biến cỗ sen đang trở nên thuận lợi và cỗ sen đang được rất nhiều khách ưa thích.
Anh Hoàng Trung Nghĩa, du khách đến từ xã An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, cho biết thông thường du khách khi đến tham quan tại một địa danh nào đó, họ muốn thưởng thức ẩm thực và mua đồ về làm quà. Đường Lâm không chỉ có cảnh quan, kiến trúc, văn hóa hấp dẫn mà ẩm thực ở đây rất phong phú và ngon. Đó cũng là nét văn hóa mà Đường Lâm tạo nên sự khác biệt với nhiều nơi khác.
Hấp dẫn những tour du lịch trải nghiệm
Nhu cầu thưởng thức du lịch và các sản phẩm du lịch thời nay ngày càng được củng cố và nâng cao hơn. Du khách không chỉ biết sử dụng các sản phẩm đã hoàn chỉnh mà còn có nhu cầu muốn xem quá trình làm ra các sản phẩm, từ việc chọn nguyên liệu, các dụng cụ được sử dụng để chế biến, lộ trình thời gian, cách thưởng thức, đồ gói, pha chế.
Đáp ứng nhu cầu này của du khách, tại Đường Lâm đã đưa vào khai thác theo các tour du lịch trải nghiệm bao gồm làm kẹo các loại (kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi), gần đây là kẹo hạt bí, gạo lứt; làm bánh gai, chè lam. Hình thức này thu hút sự tham gia của cả khách trong nước và quốc tế.
Ngoài các sản phẩm trên, loại hình du lịch thu hái nông sản, rau củ, đi chợ Mía cũng được các tour du lịch xây dựng như các em học sinh Trung học Cơ sở tham gia thu hoạch và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp thu hái từ đồng ruộng, mang về các nhà hàng trong làng cổ để chế biến và thưởng thức.
Tour du lịch này cũng hấp dẫn các du khách quốc tế và việc chế biến ẩm thực cũng được thể hiện thông qua các món ăn do chính tay du khách thực hiện như đi chợ Mía từ sáng sớm, mua thực phẩm về làm một số món ăn, trong đó có món nem rán (đặc biệt hấp dẫn khách nước ngoài), hay các món cỗ cổ truyền khác…
Khi khách du lịch đến Làng cổ Đường Lâm ngày càng đông, nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực làng cổ ngày càng nhiều. Tận dụng lợi thế khuôn viên rộng, không gian nhà cổ, sân vườn đẹp, rất nhiều hộ gia đình đã tổ chức dịch vụ thưởng thức ẩm thực ngay tại nhà, thu hút đông đảo du khách.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Mông Phụ là một trong những địa điểm quen thuộc đối với khách du lịch. Khu vực ăn uống được bài trí giản dị, hài hòa với nhà cổ; các món ăn truyền thống được chế biến hợp khẩu vị; gia chủ thân thiện nên địa chỉ này luôn thu hút đông khách ghé thăm. Bên cạnh đó, nhà ông Hà Hữu Thể, bà Hà Thị Điền, ông Hà Nguyên Huyến... cũng tổ chức tốt dịch vụ homestay, bán đặc sản địa phương phục vụ khách tham quan.
Mỗi năm Làng cổ Đường Lâm đón khoảng 13.000-14.000 khách (thời điểm trước dịch COVID-19) và có khả năng còn tăng hơn khi du lịch đang phục hồi, người dân làng cổ đang tích cực đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá hình ảnh.
Ẩm thực Đường Lâm cũng đang có nhiều cơ hội để đến gần hơn với du khách, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng đến đông đảo du khách trong và ngoài nước./.