Âm nhạc truyền cảm hứng

10:11 - 26/07/2021

Những tháng qua, rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã viết nhạc về Sài Gòn, nhằm truyền cảm hứng, động viên tinh thần phòng chống dịch Covid-19. Nhạc sĩ trẻ Trần Quang Sơn cũng đã phổ nhạc bài thơ của Nguyễn Đức Hiển, thành bài hát cùng tên “Sài Gòn sẽ vui” rất ấm đượm, kịp thời.

nhac-si-tran-quang-son-ben-phai-quay-mv-1627261285.jpg
 

Việc động viên tinh thần, lan tỏa yêu thương, tạo sự đồng lòng vượt khó trong lúc này là vô cùng quan trọng và cho thấy tinh thần quật cường, tinh thần đoàn kết quý báu của người dân Việt Nam.

1.

Tình cờ đọc được những câu thơ của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Đức Hiển, do một người bạn thơ gửi giữa những ngày TP Hồ Chí Minh căng mình chống dịch Covid-19, Trần Quang Sơn vô cùng xúc động. Tâm trạng của nhà thơ -  người gắn bó 30 năm với Sài Gòn đã bày ra rất nhiều cảm xúc.

Sài gòn mệt rồi hàng rong không rao

Sài Gòn mệt rồi phố thôi xôn xao

Rau úa ngoài xóm chợ lá rau giờ chia nhau

Gói mì nơi hẻm chợ chia thương ngày lao đao

Nhớ nhau mà không gặp, xót lòng nhìn dây giăng

Đôi khi buồn muốn khóc.

Buồn hơn ngày mưa giăng

Những dòng tin se sắt, muối xát lòng đau thêm

Tiếng còi xe ứa máu, ánh chớp đèn xuyên đêm.

Thương người bác sĩ trưa nắng ngủ vùi

Thương người y tá kiệt sức mắt lệ rơi

Thương chốt dân phòng tô mì húp vội

Khu cách ly chiều chỉ mây xám thôi

Đắng lòng cô bé ngoái đầu nhìn cha

Dũng cảm lên xe về khu cách ly…

Ngay tức khắc, Trần Quang Sơn thấm thía những lời thơ cứ quặn lên ấy. Anh rung động trước từng câu, từng nhịp của bài thơ. Nhạc sĩ Trần Quang Sơn tâm sự: “Khi đọc bài thơ, ngay lập tức tôi thấy thổn thức. Tôi hình dung ra những giai điệu và để các giai điệu ấy vang lên như thể tôi được sống trong không gian của Sài Gòn những ngày này vậy. Đó là một Sài Gòn đang rã rời trong đại dịch Covid-19”.

Sau những lời xót đau là niềm hy vọng, là niềm tin về một ngày mai không xa "phố hết ốm" , "đường em đến lớp rộn ràng phố đông, gánh xôi thơ bé sẽ thơm mùa hè", ta lại "hàn huyên cà phê phố"...

bai-hat-pho-nhac-1627261291.jpg
sai-gon-se-vui-1627264196.jpg
 

2.

Việc sáng tác, thu âm và cho ra đời tác phẩm âm nhạc trong mùa dịch gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn khi hoà âm phối khí, các bạn chơi guitar và violin phải lặn lội quãng đường rất xa (bạn Trần Thắng guitar đang ở Lạng Sơn ) phải vội vã về Hà Nội cho kịp lệnh giãn cách và hoàn thành tác phẩm trong thời gian sớm nhất. Rồi ekip làm việc, từ thu âm đến ghi hình, cũng không được quá 5 người. Trần Quang Sơn và cậu em Huy Chuối chơi violin phải quay lưng vào nhau trong toàn bộ MV để tránh dịch... May mắn là, được sự đồng tâm của tất cả mọi người nên các anh đã hoàn thành tác phẩm tạm coi là ưng ý trong thời gian thần tốc so với các tác phẩm âm nhạc thông thường .

Sau hai đêm nhạc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho dự án "Hãy Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện", Trần Quang Sơn đã rất lo lắng khi dự đoán tình hình dịch sẽ còn căng thẳng hơn. Sơn vẫn tiếp tục triển khai dự án với mong muốn nhiều người ý thức hơn nữa về việc sống tỉnh thức, bảo vệ tự nhiên và môi trường chung quanh chúng ta. Hoạt dộng nghệ thuật là một con đường không ngừng nghỉ, đặc biệt trong những thời điểm, người dân cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang phải vật lộn chống chọi với đại dịch Covid-19... thì đây còn là trách nhiệm để người nghệ sỹ lên tiếng, sẻ chia và vực dậy tinh thần của mỗi người tại vùng dịch hay đang trong hoàn cảnh khó khăn. Trần Quang Sơn chia sẻ: “Âm nhạc là cách thức, là phương tiện hữu hiệu nhất để tôi được chia sẻ trong thời điểm này. Sài Gòn đang ốm nhưng rồi sẽ vui... Sơn nghĩ vậy, không chỉ Sài Gòn mà tất cả chúng ta đồng lòng, cùng sẻ chia và bình tĩnh.... sẽ có thể vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này”.

Rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ vẫn đang hướng về Sài Gòn và tiếp tục đồng lòng, chung sức cùng cả nước vượt khó. Với trận đại dịch này, mỗi người dân là một chiến sĩ, trăm trái tim hòa cùng dòng máu thắm. Lời hiệu triệu của con tim chính là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất đã giúp dân tộc ta đi qua bao cuộc trường kỳ kháng chiến. Với cuộc chiến lần này, đáp lời sông núi, triệu triệu người Việt chung lòng theo tiếng gọi sơn hà, có nguy biến nào mà chẳng thể vượt qua.

 

 

 

 

 
https://vanhoavaphattrien.vn/am-nhac-truyen-cam-hung-a2445.html