7 nhóm giải pháp lớn phát triển vận tải Thủ đô đồng bộ, hiện đại
08:05 - 16/08/2023
Ngày 15/8, Bộ GTVT ban hành kế hoạch phát triển vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 7 nhóm giải pháp chủ yếu.
Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ký ban hành Kế hoạch số 8926 của Bộ GTVT về "Phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm an toàn giao thông Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nghị quyết của Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GTVT đã đề ra.
Theo đó, yêu cầu được đặt ra là: tiếp tục phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng hàng không, cảng cạn, cảng bến đường thủy, ga đường sắt, bến xe hàng hóa. Bố trí các trung tâm logistics tại cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... để có những bước phát triển đột phá cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành GTVT.
Ưu tiên thực hiện giải pháp khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng như: xe buýt, đường sắt đô thị; các phương tiện giao thông thân thiện như: xe buýt điện, taxi điện; hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân (ô tô, mô tô hai bánh,…).
Tạo thuận lợi vận tải qua biên giới; đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình nêu tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 7 nhóm giải chủ yếu: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics (ưu tiên vận tải đa phương thức, đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn, tăng cường kết nối các phương thức vận tải thông qua kết nối doanh nghiệp; tăng cường đầu tư, kết nối vận tải thủy tại các đầu mối hàng hóa…), tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới (đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa quốc gia liên quan đến người, phương tiện và hàng hóa xuất nhập cảnh).
Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong tất cả các lĩnh vực hoạt động GTVT; Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành (điều chỉnh cơ chế, chính sách; hỗ trợ, kiến tạo kết nối doanh nghiệp).
Nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực về vận tải; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh vận tải để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Về tổ chức thực hiện, Bộ GTVT giao các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp chủ yếu được đề ra. Vụ Vận tải là đơn vị đôn đốc việc triển khai thực hiện và là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện kế hoạch.