1

Hệ thống đèn xe ôtô và những điều cần biết. Đồ họa: TT

Đèn pha và đèn cos

Đèn cos là đèn chiếu gần có góc chiếu thấp, giúp người lái quan sát tình trạng mặt đường trong phạm vi gần, sử dụng khi xe đi với tốc độ thấp, trong khu đô thị và khu dân cư.

Đèn pha là đèn chiếu xa có cường độ ánh sáng mạnh và góc chiếu cao hơn, giúp người lái quan sát được các chướng ngại vật từ xa. Các lái xe thường sử dụng loại đèn này khi đi trên đường cao tốc vào ban đêm.

Đèn hậu

Đèn hậu có vị trí ở 2 bên đuôi xe. Chúng phát ra ánh sáng màu đỏ để báo hiệu cho xe phía sau biết về sự hiện diện của ôtô đang di chuyển. Nhờ đó, xe phía sau có thể chủ động duy trì khoảng cách phù hợp giữa 2 xe.

Đèn sương mù

Đèn sương mù được đặt ở vị trí thấp, ở phía dưới cản trước của xe hoặc phía sau xe, có chức năng chiếu sáng vào những lúc thời tiết xấu như mưa, sương mù,…

Hệ thống đèn sương mù hoạt động độc lập với đèn pha, có thể sử dụng khi đèn pha không phát huy tác dụng trong thời tiết xấu.

Đèn xi nhan

Đèn xi nhan có vị trí ở đầu xe và đuôi xe, ở bên cạnh đèn pha và đèn hậu. Loại đèn này có tác dụng báo hiệu các phương tiện khác hướng mà xe bạn sắp rẽ.

Đèn phanh

Đèn phanh là một phần trong tổng thể cụm đèn hậu, nó sẽ bật sáng hoặc sáng hơn so với bình thường khi bạn đạp chân phanh, có tác dụng báo hiệu cho các lái xe phía sau biết bạn đang giảm tốc độ hay dừng lại.

Đèn khẩn cấp

Đèn khẩn cấp được thể hiện ở cả đầu xe và đuôi xe thông qua tín hiệu xi nhan đồng thời cả hai bên. Đèn khẩn cấp báo hiệu cho các tài xế khác biết rằng ôtô của bạn đang gặp vấn đề.

Hệ thống đèn trong cabin

Hệ thống đèn trong cabin bao gồm: đèn trên nóc cabin, đèn bảng điều khiển, đèn ABS, đèn báo hiệu áp suất dầu, đèn báo lỗi động cơ,... Theo đó, mỗi loại đều có một chức năng riêng.

(Link gốc: https://laodong.vn/xe/7-loai-den-xe-oto-lai-xe-nen-nam-ro-953608.ldo)