50 NĂM TRƯỚC, DU HỌC ĐÔNG ÂU - PHẦN 3: TỪ MÃN CHÂU LÝ ĐẾN MOSKVA (02/9-08/9/1971)
08:04 - 02/09/2021
Khi chuyển từ tàu LVQT TQ qua tàu LVQT LX, còn bao nhiêu tiền NDT, chúng tôi mua hết bánh kẹo, hoa quả... rất may điều đó giúp cho chúng tôi thoát khỏi 1 cơn nhịn đói, vì giờ Bắc kinh trước giờ Moscva 5 tiếng, nên khi chuyển qua tàu LVQT LX thì đã qua giờ ăn mất rồi...
Qua tàu LVQT của LX, tôi mới thấy các nhân viên phục vụ người Nga họ rất lạnh lùng, nguyên tắc, hay cằn nhằn, không thân thiện như tàu LVQT TQ. Đối với chúng tôi điều đó cũng chẳng có gì phải phiền lòng vì chúng tôi không phải đi du lịch mà là đi học và cái quan trọng, háo hức nhất lúc này đó là bao giờ đến đất nước mà mình sẽ được đến và học ở đó. Còn tiếng Nga thì cũng lõm bõm vài từ nên cũng chẳng hiểu họ cằn nhằn điều gì, họ nói họ nghe thôi, tuy vậy mọi người cũng giữ ý tứ để khỏi nghe nhưng tiếng cằn nhằn khó chịu ấy từ nhân viên trên tàu phát ra. Việc tắm rửa trên tàu của LX phải nói là "không thể", kiểm soát toa luôn theo dõi chúng tôi, chỉ một tí nước văng ra hành lang là bị bắn bằng tiếng Nga như liên thanh.
Trong khoang cũng không có phích nước, không có ấm pha trà và trà để sẵn, chỉ có mấy cái cốc sứ trên bàn, bạn muốn dùng nước sôi ư? Ra đầu toa có máy nước nóng và hình như phải trả vài cô phếc thì phải.. Mà lần đầu tiên tôi thấy người Nga họ uống trà rất lạ, trà của họ được xay nhỏ, cho vào một cái túi giấy, có sợi giây (sau này mới biết là trà túi lọc), bỏ vào li và chế nước sôi vào, trước khi uống họ lấy túi trà ra, cho chút đường trắng hoặc đường viên có thể thêm vào lát chanh vàng không hạt chứ không pha bằng trà búp như VN. Sau này bọn tôi cũng hay dùng cách này, chủ yếu là cho tiện chứ chẳng ngon lành gì, mà tôi thấy người châu Âu chủ yếu dùng trà đen, chứ không dùng trà búp xanh như mình.
Khi ở bên tàu TQ, việc đi ăn cưc kỳ đơn giản vì các bữa ăn đã được đặt và dọn trước, cứ đủ 1 bàn 4 người là ăn thôi. Còn bên tàu LX thì phải tự gọi. May mà chúng tôi cũng được học bì bõm tiếng Nga từ khi rời Quế Lâm (TQ) về học tiếp phổ thông ở Hưng Hóa, Phú Thọ, nên cũng hiểu chút đỉnh về món ăn, thế là cả bọn hôm thì kêu gà rán, hôm thì kêu bò bít tết...với bánh mì, súp thịt (toàn những món mà ngày còn ở VN có nằm mơ cũng ít thấy...). Khổ nhất là các bạn ở các tỉnh do không được học tiếng Nga nên việc gọi món ăn cũng rất khó khăn, có lúc chúng tôi phải kêu giúp họ. Có nhiều bạn lần đầu tiên ăn "đồ tây" có vẻ không hợp, bên tàu TQ tuy họ có nấu hơi nhạt nhưng kiểu nấu giống VN nên ăn còn cảm thấy ngon miệng. Còn "đồ tây" không có cơm, phải ăn bánh mì, súp thì lại không giống canh, rau thì ít nên chưa quen, nhưng tôi tin rằng, tuổi trẻ dễ thích nghi rồi tất cả sẽ quen thôi, vì đấy là cách ăn của nơi mình sẽ ở và học... Mà vui nhất là việc sử dụng các dụng cụ để ăn, bên tàu TQ họ dùng đũa như mình, nhưng qua tàu LX thì chỉ có dao, nĩa, thìa, ăn súp dùng thìa là ok rồi, nhưng để cắt được cái đùi gà mà không biết dùng dao nĩa thì nó cứ trượt đi trượt lại, mà cầm tay thì lại sợ người ta chê mình lạc hậu! Thế mới xảy ra chuyện, đang hăm hở ăn, bỗng nghe “Ối giời!” một tiếng, nhìn qua bàn bên đã thấy cái đùi gà trên đĩa cậu bạn lăn quay dưới sàn tàu! Loay hoay một hồi, vẫn phải dùng "ngũ trảo" là ổn nhất, mà cũng chẳng ai chê mình...
Từ toa chúng tôi muốn đến toa ăn phải đi qua toa của các sinh viên học LX về nghỉ phép qua học lại, thi thoảng thấy cảnh các SV nam nữ họ yêu nhau, ôm ấp nhau mà thấy sao kỳ cục quá, ai lại "lộ liễu" đến thế? Ở trong nước làm gì có chuyện "yêu" thanh thiên bạch nhật như vậy? Thế mới thấy hồi đó tụi tôi quan niệm về quan hệ nam, nữ, yêu đương trong trắng đến nhường nào...tất nhiên là sau này, khi ở môi trường khác, hoàn cảnh khác thì suy nghĩ cũng sẽ khác, thế mới gọi là "nhập gia, tùy tục".
Chuyến tàu Mãn Châu Lý - Moskva là chuyến tàu mang lại nhiều thay đổi trong suy nghĩ của tôi. Đây là tuyến xe lửa dài nhất thế giới, từ Moskva qua vùng Siberi đến cảng Vladivostok khoảng hơn 9.000 km. Còn từ Mãn châu Lí, qua ga Chita, qua vùng Siberi đến Moskva cũng gần 7.000 km (gần gấp 5 lần đường sắt Bắc Nam VN). Tàu LX chạy bằng động cơ điện chứ không phải đầu máy hơi nước như TQ, nên chạy cũng thấy êm và tất nhiên không có bụi than nên tha hồ mở cửa sổ để ngắm phong cảnh.
Từ VN qua TQ, rồi đi từ nam đến bắc TQ chỉ gặp những con người như mình, phong tục, ăn uống gần như nhau, vì cách sống, phong tục người VN cũng không khác người TQ là mấy. Nhưng khi lên tàu LVQT LX, gặp nhân viên trên tàu da trắng, tóc vàng, có người to lớn nhìn cứ như bò tót vậy, rồi quang cảnh, cách sống trên đất nước LX mới thấy đúng là "tây" khác "ta" thật. Những cánh đồng mênh mông như thảo nguyên, những cánh rừng bạch dương làm gợi nhớ đến bài hát "cây thùy dương"...nhìn mấy cánh hoa trắng rơi, lòng ngập ngừng nghe trái tim bồi hồi, này cành thùy dương yêu mến, nói đi em vì cớ sao buồn... (hồi đó tôi cứ tưởng 2 loại cây này là một, nay mới biết thùy dương khác bạch dương). Cây bạch dương cuối thu có một vẻ đẹp lạ kỳ, lá từ xanh chuyển qua màu vàng làm cho cả cánh rừng vàng rực một cách rất thu hút, ấn tượng. Rồi những làng mạc, thành phố mà tàu đi qua thật khác xa với những gì tôi thấy trên đất nước mình hay như TQ, những nóc nhà thờ cao vượt lên trên các ngôi nhà mang đậm chất Nga tạo cho tôi một cảm giác là lạ khó tả (mình đã ở bên tây rồi ư?)...
Nhưng ấn tượng nhất trên chuyến hành trình Mãn Châu Lý -Moscva là tàu đi bên hồ Baikal, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất, sâu nhất thế giới, hồ có diện tích gần 32.000 km², nơi sâu nhất là 1.642m, nước trong và xanh đến lạ kỳ. Nghe nói, mùa đông mặt hồ đóng băng có thể đi trên đó và có nhiều hình dạng mà nước đóng băng tạo ra vô cùng ấn tượng... tôi nhớ không nhầm thì phải mất gần 1 ngày tàu mới đi hết 1 phần của hồ Baikal.
Đúng ngày 08/9 của 50 năm về trước tôi và các bạn đi cùng chuyến đã đặt chân lên thủ đô Moscva của CHLBXV, thành trì của CNXH, đất nước của Lênin, của Lev Tolstoj, của Puskin và tác phẩm "thép đã tôi thế đấy"... thật là vinh dự và tự hào.
Thủ đô Moskva thật lộng lẫy, đầy ấn tượng, những tòa nhà nguy nga, vĩ đại mà lần đầu chúng tôi nhìn thấy, những con đường rộng lớn, sạch sẽ, xe chạy như mắc cửi...
Vậy là kết thúc cuộc hành trình 7 ngày trên đất LX. Nếu tính khi xuất phát từ Hà nội, chúng tôi đã trải qua 13 ngày đằng đẵng trên tàu LVQT, từ VN, qua TQ, qua LX, tính quãng đường đi được gần 1/2 chu vi địa cầu. Lâu, nhưng vô cùng thú vị. Ngày nay, với sự tiến bộ của các thiết bị GTVT như tàu cao tốc, nếu chúng ta có đi cung đường này thì cũng chỉ mất vài ngày.
Chúng tôi chỉ có 1 ngày ở Moscva, rồi sau đó sẽ tỏa đi các nước như Ba Lan, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Hungari, Bungari...cho nên phải tranh thủ đi thăm nơi nào đấy, tất nhiên Quảng trường Đỏ, Lăng Lê nin là mục tiêu đầu tiên. Sau khi cất đồ đạc, ăn sáng và dò hỏi, chúng tôi quyết định đi bộ đến đấy, trên đường đi phải đi qua 1 con đường lớn (có lẽ là đại lộ) xe ô tô chạy nườm nượp, để tránh tai nạn, người ta làm những đường hầm đi bộ từ bên này qua bên kia đường, vậy mà chúng tôi đâu có biết, vẫn canh xe, chạy bộ ngang qua đường chứ không đi xuống hầm chui, rất may là không bị tai nạn và không bị công an LX phát hiện, (không biết công an Moscva mà tóm được tụi tôi băng qua đường như vậy sẽ thế nào nhỉ?, bị phạt tiền hay giam giữ...). Trên đường rất ít xe đạp, mô tô, chủ yếu là ô tô các loại, đặc biệt rất nhiều xe công cộng như xe buýt, xe điện chạy trên đường ray, xe điện chạy bằng bánh lốp...rất tiện cho mọi người. Sau khi đến Quảng trường Đỏ, chúng tôi muốn vào Lăng Lenin, nhưng hôm đó Lăng không mở cửa, Nhà thờ chính tòa Thánh Basily, bách hóa tổng hợp GUM trung tâm mua sắm nổi tiếng nhất thời Xô viết, tìm mua cravat mà không thấy (có lẽ tìm không đúng chỗ vì GUM quá lớn, không thể đi hết được) và lang thang vài nơi.
Đặc biệt nhất là hệ thống tàu điện ngầm có từ hồi Sa hoàng đến nay vẫn hoạt động tốt, người dân sử dụng phương tiện này rất nhiều. Mỗi một ga đều có sự trang trí hoàn toàn khác nhau và đều đẹp cứ như đi vào viện bảo tàng vậy, điều đó gây ra rất nhiều sự tò mò cho du khách. Bạn muốn đến ga nào, ngoài sự chỉ dẫn của bản đồ, bạn phải nhớ cách trang trí của ga đó cũng như ga về để không bị lạc. Hệ thống tàu điện ngầm ở đây đã trở thành thương hiệu của thành phố Moscva mà ai tới đây cũng phải đi thử một lần, cũng giống như xe buýt đỏ 2 tầng ở London vậy.
Còn con người Moscva ai cũng có vẻ vội vã, họ đi như chạy chứ không đủng đỉnh như người VN. Người Nga đúng là con người của công nghiệp và hiện đại hóa...Thực ra đó là phong cách của người châu Âu chứ không phải riêng gì người Nga.
Lúc đi thì trời sáng, lúc muốn về thì trời đã tối nên chẳng ai nhớ đường về khách sạn, đành vẫy xe taxi, vẫy hoài không có xe nào dừng, có lẽ do đón xe không đúng bến dừng taxi? Chúng tôi thấy xe nào cũng vẫy, sau có một chiếc ô tô hiệu Volga (không phải taxi vì trên nóc không có bảng hiệu) dừng lại, sau khi đưa cho tài xế địa chỉ khách sạn, ông ta đồng ý chở đến khách sạn với giá 30 rúp (sau này mới biết nếu đi taxi chỉ hết vài rúp, dù sao đó cũng là một kinh nghiệm đáng nhớ)
Về đến khách sạn, sau khi ăn uống xong, được biết sáng sớm mai lên tàu đi Balan, còn lại ít rúp, không biết để làm gì, cả bọn lại đi lùng mua hoa quả, đồ ăn, thuốc lá. Mà ngày đó thuốc lá Nga có mùi thật lạ, mua loại giá cao nhất (nghĩ đắt thì phải ngon), thế mà khi mở ra thấy điếu thuốc dài khỏang 12cm, thì phần thuốc chỉ có 5cm, còn lại là ống giấy, hút thì khét như đốt lông gà vậy. Đến giờ tôi cũng không hiểu cái ống giấy có tác dụng gì...?
Sau 13 ngày rong ruổi, ăn, ngủ, chơi đều trên tàu, đêm thứ 13 được ngủ trên đệm êm, gối ấm trong khách sạn thì không còn gì tuyệt vời bằng, thế nhưng trong giấc ngủ, bên tai vẫn vang vọng tiếng kình kịch, kình kịch...của bánh xe lửa nghiến trên đường sắt và phải thức dậy giữa sáng sớm để ra tàu, tiếp tục cuộc hành trình đến bến cuối cùng.
Còn 1 ngày nữa là đến Balan rồi!
(Phần cuối: Hàng trình tới Balan và những ngày đầu. Sẽ đăng ngày 09/9/2021. Các bạn chờ xem nhé!).