5 meo quan ly tai chinh hieu qua cho co nang

Bạn có thường xuyên mua sắm? Bạn có hay “xuống tiền” ngay khi nhìn thấy món đồ yêu thích trên kệ? Khi nhận lương, bạn có hay rơi vào tình trạng “cháy túi” dù chưa đến cuối tháng?

Nếu bạn trả lời “có” cho những câu hỏi trên, khả năng cao bạn là một tín đồ shopping chính hiệu. Nếu những quyết định tiền bạc trước đây đã từng khiến bạn phải hối hận.

Hẳn người hâm mộ những bộ phim hài lãng mạn không thể quên “Confessions of a Shopaholic” (Lời tự thú của một tín đồ shopping).

Phim xoay quanh Rebecca Bloomwood (Isla Fisher) - một phóng viên có niềm đam mê bất tận với thời trang và mua sắm. Cô luôn tiêu tiền không suy nghĩ và sẵn sàng làm đủ mọi thứ để sở hữu những món đồ hiệu đắt giá nhất.

Qua thời gian, thói quen đó không chỉ đẩy Rebecca vào cảnh nợ nần, mà còn khiến cô suýt đánh mất mối quan hệ quý giá với những người thân yêu.

Vậy qua bộ phim, bạn có thể rút ra được những bài học tài chính nào?

 

Năm bài học tài chính sau có thể sẽ hữu ích nếu bạn muốn kiểm soát túi tiền tốt hơn.

Luôn có ngân sách dự phòng cho người thân

Ở một phân cảnh trong phim, Rebecca phải đưa ra lựa chọn giữa việc mua chiếc đầm cho buổi phỏng vấn lên sóng truyền hình, hoặc mua bộ trang phục cho đám cưới cô bạn thân Suze. Cô đã chọn vế đầu tiên, khiến Suze rất buồn và tức giận, thậm chí còn suýt “nghỉ chơi” với cô nàng.

Hiển nhiên, lý tưởng nhất là có thể mua tất cả những món đồ mà chúng ta hằng mong muốn. Tuy nhiên, nhiều khi bạn sẽ phải đưa ra những lựa chọn tài chính khó khăn như nên đổi chiếc laptop dùng đã lâu hay tiết kiệm thêm chút nữa để cuối năm đưa gia đình đi du lịch? Nên mua chiếc túi mới “sang, xịn, mịn” hay dành tiền để “đu idol” cùng đứa bạn thân?

5 meo quan ly tai chinh hieu qua cho co nang

Dù muốn thừa nhận hay không, tiền cũng là một phần khá quan trọng giúp bạn “mua” những trải nghiệm quý giá bên cạnh những người thân yêu.

Vì vậy, bạn nên có ngân sách (chiếm khoảng 5-10% thu nhập) cho những hoạt động gắn kết với họ, dù điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải cắt bớt những khoản chi cho riêng mình.

Những khoản chi bốc đồng không vô hại như bạn tưởng

Ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua những cơn mua sắm bốc đồng (impulsive buying), khi bạn rinh các món đồ lỡ “yêu từ cái nhìn đầu tiên” về mà không thật sự suy nghĩ kỹ về nó: đó có thể là khoảnh khắc bạn bỗng thấy một đợt sale thật “khủng” trên các ứng dụng mua sắm, hay khi bạn đang trong trạng thái “retail therapy” (mua sắm để giải khuây),…

Không thể phủ nhận rằng khi mua sắm, não bộ sản sinh ra dopamine khiến chúng ta lập tức cảm thấy khá hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cảm giác hạnh phúc này thường không kéo dài lâu, thậm chí nó có thể để lại hậu quả khôn lường về sau như khi bạn không thể trả nợ thẻ tín dụng đúng hạn dẫn đến “lại mẹ đẻ lãi con” hay tiêu phạm vào ngân sách trong tháng.

5 meo quan ly tai chinh hieu qua cho co nang

Vì vậy, trước khi “xuống tiền," hãy trả lời những câu hỏi mình có thật sự cần món đồ này không? Tình trạng tài chính hiện tại có cho phép mình mua món đồ này không? Liệu mình có thể sử dụng nó thường xuyên không?

Nếu câu trả lời là “không” cho những câu hỏi trên, đã đến lúc bạn giảm những khoản chi bốc đồng bằng cách đặt một khoản tiền cố định cho việc mua sắm theo sở thích mỗi tháng (có thể chiếm từ 10-20% tổng thu nhập), tăng cường sử dụng tiền mặt, đặt mục tiêu tiết kiệm tài chính, tạo danh sách những món đồ cần mua mỗi tháng,…

Chuyên gia tài chính Carl Richards - “cha đẻ” của “quy luật 72 giờ” khuyên rằng: “Kể cả khi bạn rất muốn sở hữu một món đồ, hãy đợi khoảng 3 ngày xem bạn còn muốn nó hay không. Nhiều khi, bạn sẽ quên chúng luôn đó.”

Hãy mạnh dạn tạm biệt những món đồ không còn dùng đến

Trong “Lời tự thú của một tín đồ shopping," khi Rebecca quay cuồng trong đống nợ và bị dồn đến đường cùng, cô quyết định bán hết món đồ mình phải cố gắng rất nhiều để có được.

Quyết định khôn ngoan này đã đưa cô ra khỏi tình trạng nợ nần, đồng thời cũng khiến cô tự tin hơn nhiều vì được “giải phóng” khỏi cuộc gọi của chủ nợ. Trừ phi bạn là một người theo đuổi lối sống tối giản, rất có thể ngôi nhà của bạn đang là “tổ ấm” cho những món đồ không bao giờ dùng tới.

[5 thói quen chi tiêu chứng tỏ bạn kiếm tiền nhiều nhưng mãi không giàu]

Theo nhiều nghiên cứu, chúng ta thường chỉ mặc 20% trang phục trong tủ quần áo, số còn lại thường sẽ chỉ nằm im lìm nơi đáy tủ, từ năm này qua năm khác. Đó là còn chưa kể những đồ gia dụng, nội thất,… chiếm không gian hơn.

5 meo quan ly tai chinh hieu qua cho co nang

Nếu chúng còn mới, bạn hoàn toàn có cơ hội kiếm thêm một chút thu nhập qua những buổi garage sale/yard sale hàng tháng, những nền tảng ký gửi đồ cũ, những hội nhóm trao đổi/ mua bán đồ cũ trên Facebook hay phổ biến là Facebook Marketplace - nếu bạn đăng tải đủ thông tin về sản phẩm (giá cả, tình trạng,…) khả năng cao bạn sẽ có thể “chốt đơn” rất nhanh chóng.

Bởi trong những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng bền vững đang phát triển mạnh. Làm được điều này, bạn không chỉ cải thiện tình trạng tài chính, mà còn khiến không gian sống của mình trở nên thoáng đãng hơn.

Bạn phải tự chịu trách nhiệm cho tình hình tài chính của mình

Một khoảnh khắc đáng giá trong “Lời tự thú của một tín đồ shopping” là khi ông Graham - bố của Rebecca, đề nghị bán chiếc RV (xe dã ngoại) của mình để giúp cô trả nợ, nhưng cô đã từ chối.

Điều này cho thấy Rebecca đã sẵn sàng tự nhận trách nhiệm cho những quyết định tiền bạc kém thông minh trước đây của mình, đây cũng là điều quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân.

5 meo quan ly tai chinh hieu qua cho co nang

Bạn có thể tạo hàng trăm kế hoạch, tuân theo thói quen chi tiêu nghiêm ngặt và sử dụng mọi lời khuyên trong sách, nhưng nếu bạn không tìm ra công thức quản lý tài chính phù hợp với mình, mọi nỗ lực sẽ trở nên vô ích.

Ở Mỹ, 70% triệu phú trúng xổ số độc đắc đã phá sản chỉ sau vài năm vì không có kỹ năng quản lý tài sản. Chính vì thế, tìm đến những bài học tài chính từ sớm sẽ giúp bạn xây dựng thói quen đầu tư, từ đó có thể quản lý những món tiền lớn hơn trong tương lai.

Ngoài ra, tìm đến người thân không phải là lựa chọn phù hợp (trừ trường hợp bất khả kháng) bất cứ khi nào bạn gặp khó khăn về tài chính. Một mặt, đó là giải pháp dễ dàng - mà dễ quá thì sẽ chẳng học được gì cả. Mặt khác, phụ thuộc tiền bạc không bao giờ là điều khôn ngoan.

Hãy tìm cách tự mình thực hiện các nghĩa vụ tài chính như chi trả các hóa đơn hay mua sắm những vật dụng thiết yếu. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền.

Mọi việc chỉ khá hơn khi bạn đối diện với vấn đề

Đừng giống chú đà điểu luôn vùi đầu vào cát mỗi khi gặp khó khăn. Hãy cố gắng ghi lại những khoản chi theo ngày trên các ứng dụng quản lý tài chính, dù điều này có thể khiến bạn choáng váng bởi số tiền thường xuyên vượt quá ngân sách.

Cuối mỗi tháng, hãy tổng kết xem bạn đang chi tiêu nhiều cho việc gì: giải trí, di chuyển, hay mua sắm,…? Liệu nó có cần thiết không? Và bạn có thể cắt giảm từ đó.

5 meo quan ly tai chinh hieu qua cho co nang

Ngoài ra, để kiểm soát tình hình tài chính, bạn cũng có thể sử dụng tiền mặt thường xuyên hơn. Tiền rời khỏi tay lúc nào cũng có cảm giác chân thực hơn nhiều những con số sụt giảm trong ngân hàng. Bằng cách đối diện với vấn đề, bạn có thể tìm ra được những lỗ hổng trong việc chi tiêu của mình và tìm cách xử lý chúng.

Tuy nhiên, nếu cách này không có tác dụng và bạn vẫn chi tiêu vượt ngoài tầm kiểm soát, đừng ngại liên hệ với một cố vấn tài chính. Người này không nhất thiết phải là một chuyên gia, đôi khi đó là một người bạn, người thân trong gia đình bạn cảm thấy tin tưởng và sẵn sàng lắng nghe những lời khuyên tài chính từ họ.

Tất cả chúng ta đều có một “tín đồ shopping” bên trong mình. Bất cứ ai cũng có thể bị dụ vào thế giới của những món đồ hiệu hào nhoáng, bởi vì chúng đáng mơ ước đến thế cơ mà?

Nhưng nếu đang phải gánh chịu hậu quả từ những quyết định tài chính không thông minh, bạn có thể áp dụng những cách trên để thay đổi thói quen chi tiêu và tiết kiệm của mình./.

Nguyen Nhi (Đẹp/Vietnam+)