Tổng diện tích đất bị thoái hóa hiện nay vẫn chiếm 35,7% tổng diện tích tự nhiên cả nước; trong đó 43% diện tích đất bị thoái hóa là đất sản xuất nông nghiệp và 42% diện tích bị thoái hóa là đất lâm nghiệp.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa do Cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng tổ chức sáng 20/12, tại Hà Nội,
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2019, tổng diện tích đất bị thoái hóa cả nước là 11,8 triệu ha; trong đó đất bị suy thoái nặng là 1,2 triệu ha, suy thoái trung bình là 3,8 triệu ha, suy thoái nhẹ là 6,8 triệu ha.
Vùng có diện tích đất suy thoái lớn nhất là Trung du miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; suy thoái ít nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và không có diện tích đất bị suy thoái nặng.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đánh giá dù chưa phải xếp vào quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng về suy thoái đất và khô hạn, tuy nhiên Việt Nam đã sớm nhận diện nguy cơ và ký kết gia nhập Công ước chống sa mạc hoá của Liên hợp quốc.
Tham gia Công ước chống sa mạc hoá của Liên hợp quốc (Công ước UNCCD), thực hiện cam kết, Thủ tướng chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020.
Một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của chương trình là: “Chống sa mạc hóa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng, nguồn nước và đất đai, nâng cao từng bước thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết vững chắc nhiệm vụ định canh định cư.”
Bà Nguyễn Thùy Mỹ Linh, Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, cho biết việc điều tra, đánh giá đất thoái hóa và các nghiên cứu, chương trình, dự án, đề án phục hồi, cải tạo đất cũng đã được triển khai thực hiện ở các vùng ưu tiên.
Sau 15 năm thực hiện, nguyên nhân sa mạc hóa do hoạt động của con người gây ra đã dần được khắc phục, công tác phòng, chống sa mạc hóa dần chuyển từ “bị động” sang “chủ động.”
Để thực hiện nhiệm vụ chống sa mạc hóa, nhiều chương trình, dự án về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng ... đã được triển khai rộng rãi trên cả nước.
Các chương trình, dự án này đã cải tạo đất hoang hóa, làm tăng diện tích và trữ lượng rừng, đưa ra các mô hình phát triển nông-lâm kết hợp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo ở nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường và ổn định xã hội, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện nhiệm vụ chống sa mạc hóa.
Theo bà Linh, trong giai đoạn này, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; nghiên cứu cây trồng chịu hạn, chịu mặn; hệ thống hồ chứa nước đa mục tiêu phục vụ cho mùa khô; hệ thống kênh mương được kiên cố và mở rộng; kỹ thuật lâm sinh cải tiến.
Điển hình, việc nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi, chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cho sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng đảm bảo năng suất cây trồng và bảo vệ đất, đặc biệt những vùng đất bị sa mạc hoá, hoang mạc hoá, đất dốc vùng đồi núi và đất cát ven biển.
Diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiết kiệm nước tăng đáng kể qua các năm. Từ 115.000ha (năm 2015) lên 529.000ha (2020) cây trồng được tưới tiết kiệm, tăng hơn 4,5 lần so với năm 2015.
Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và áp lực phát triển kinh tế-xã hội đặc biệt tại các vùng nguy cơ sa mạc hóa cao, nhiệm vụ chống sa mạc hóa còn nhiều thách thức và cần thiết phải tiếp tục có những hành động mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo, bà Linh đánh giá.
Trong giai đoạn tới, bà Nguyễn Thùy Mỹ Linh cho rằng vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần ưu tiên hạn chế và phục hồi các khu vực đất bị xói mòn và ngăn ngừa gia tăng diện tích đất bị khô hạn.
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên ưu tiên hạn chế và phục hồi các khu vực đất bị suy giảm độ phì và khô hạn. Vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên hạn chế và phục hồi các khu vực đất bị suy giảm độ phì, đất bị mặn hóa và đất bị phèn hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã góp ý xây dựng Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Nguồn: 43% diện tích đất bị thoái hóa là đất sản xuất nông nghiệp | Vietnam+ (VietnamPlus)