420.000 tỷ đầu tư hệ thống cảng hàng không toàn quốc được huy động cách nào?
08:28 - 15/06/2023
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 cần khoảng 420.000 tỷ đồng. Vậy nguồn vốn này sẽ được huy động như thế nào?
Giải pháp đối với cảng hàng không mới và hiện tại
Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định: thời kỳ 2021 - 2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không quốc nội; Tầm nhìn đến năm 2050 hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế và 19 cảng hàng không quốc nội.
Quy hoạch cũng xác định, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về giải pháp huy động vốn đầu tư, đối với cảng hàng không mới sẽ huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP. Trong khi đó, đối với cảng hàng không hiện đang khai thác: Nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính để doanh nghiệp cảng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đủ năng lực tự đầu tư, quản lý và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng sân bay và công trình kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay.
Đối với các cảng hàng không quan trọng quốc gia, các cảng hàng không có hoạt động quân sự và các cảng hàng không khu vực biên giới, hải đảo sẽ ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước (ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước) để đầu tư các công trình thiết yếu.
Kêu gọi đầu tư PPP đối với 6 sân bay
Mới đây, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo đẩy nhanh đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng Thành Sơn và quy hoạch chi tiết. Mục tiêu là có thể xây dựng cảng hàng không từ năm 2023 đến 2025 theo hình thức PPP.
Nhằm tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Thủ tướng giao tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án.
Hiện Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Về diện tích, khu bay có thể đáp ứng khai thác các loại tàu bay lớn như A350, B777, B787, nhưng kết cấu hạ tầng như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ được xây từ những năm 1960, hiện đã xuống cấp.
Về quỹ đất, khu vực phía đông, đông nam đường cất hạ cánh sân bay Thành Sơn có thể nghiên cứu bố trí quy hoạch khu hàng không dân dụng với các công trình đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách mỗi năm.
Sân bay Thành Sơn khi được khai thác dân dụng sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, mở ra động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh cho địa phương.
Trước đó, trong Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT đề xuất kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với 6 cảng hàng không: Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị.
Liên quan đến nhu cầu huy động 420.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành) đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030, trong lần trao đổi với Tạp chí GTVT vào tháng 8/2022, thời điểm Quy hoạch Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc chưa được phê duyệt, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho rằng, để huy động nguồn vốn lớn như vậy, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay ODA ngày càng khó khăn. Vì vậy việc huy động nguồn lực của xã hội thông qua xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là cần thiết và là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong tình hình của Việt Nam hiện nay.
Theo ông Đinh Việt Thắng, nội dung Đề án "Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không" hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 ưu tiên tập trung hoàn thành các dự án trọng tâm, trọng điểm, có tính lan toả để thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không; góp phần thực hiện ba đột phá về "kết cấu hạ tầng", "thể chế chính sách, cải cách hành chính" và "nguồn nhân lực"; tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, Đề án cũng đề xuất định hướng hoàn thiện quy định pháp luật (các quy định về đất đai, đầu tư, đầu tư công…) để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không tuân thủ các nguyên tắc: Đảm bảo quốc phòng, an ninh, tuân thủ Luật pháp, sự thống nhất về công tác quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, quyền định đoạt của nhà nước, đồng thời đảm bảo lợi ích giữa các bên, tính công khai, minh bạch, tính đồng bộ, thống nhất trong quản lý, khai thác và đảm bảo sự thống nhất về trách nhiệm của quốc gia với nghĩa vụ quốc tế.
Giai đoạn 2021 - 2030
-14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
-16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng); tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Tầm nhìn đến năm 2050
-14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;
-19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.