16 ga đường sắt được đề xuất quy hoạch thế nào?
10:41 - 21/09/2023
Đơn vị tư vấn lựa chọn 16 ga (hiện có) trên 4 tuyến để định hướng quy hoạch theo các hướng như mở rộng diện tích (14/16 ga; 1 ga giữ nguyên diện tích; 1 ga giảm diện tích để làm bảo tàng, khu thương mại) hoặc thay đổi chức năng, kết nối với cảng thủy, cảng biển, cảng cạn, xem xét là ga liên vận quốc tế…
Cục Đường sắt VN vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với Báo cáo đầu kỳ Quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối và ga liên vận quốc tế. Nghiên cứu, báo cáo do liên danh tư vấn Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) và Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) lập, cũng là dự án đầu tiên về lập quy hoạch ga có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được quy định tại Luật Quy hoạch 2017.
Theo đơn vị tư vấn, trong số 7 tuyến chính đường sắt quốc gia, hiện có 4 tuyến đang khai thác thường xuyên: Tuyến Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đồng Đăng trên hành lang Bắc - Nam, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Yên Viên - Lào Cai trên hành lang Đông - Tây; còn lại tuyến Đông Anh - Quán Triều chỉ hoạt động duy trì, tuyến Kép - Chí Linh đang tạm dừng hoạt động, tuyến Kép - Lưu Xá đã dừng hoạt động từ nhiều năm. Do đó, chỉ các ga trên 4 tuyến đường sắt đang có hoạt động thường xuyên được ưu tiên lập quy hoạch ga.
Về đề xuất quy hoạch ga, đơn vị tư vấn lựa chọn 16 ga (hiện có) trên 4 tuyến để định hướng quy hoạch theo các hướng như mở rộng diện tích (14/16 ga; 1 ga giữ nguyên diện tích; 1 ga giảm diện tích để làm bảo tàng, khu thương mại) hoặc thay đổi chức năng, kết nối với cảng thủy, cảng biển, cảng cạn, xem xét là ga liên vận quốc tế,…
Cụ thể, trên tuyến Hà Nội - TP.HCM có 8 ga được định hướng quy hoạch gồm: Ga Ninh Bình (ga đầu mối kết nối cụm cảng thủy nội địa Ninh Bình - Ninh Phúc), ga Khoa Trường (ga đầu mối nhằm trung chuyển hàng hóa phục vụ khu kinh tế Nghi Sơn), ga Vinh (ga trong đô thị, có vai trò du lịch), ga Đông Hà (ga đô thị, có định hướng kết nối cảng Mỹ Thủy, giữ nguyên diện tích), ga Kim Liên (ga đầu mối kết nối cảng Liên Chiểu), ga Diêu Trì (ga đầu mối kết nối cảng cạn Quy Nhơn, có vai trò du lịch), ga Nha Trang (ga trong đô thị, có vai trò du lịch, giảm chức năng ga hàng hóa; quy hoạch giảm diện tích), ga Tháp Chàm (ga trong đô thị, có vai trò kết nối tuyến đường sắt du lịch).
Đáng chú ý, trong 8 ga trên đường sắt quốc gia Bắc – Nam nói trên, 3 ga được xem xét khả năng quy hoạch trở thành ga liên vận quốc tế, gồm: Ga Đông Hà, Kim Liên và Diêu Trì. Riêng với ga Nha Trang (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) giảm diện tích 2,36 ha (từ 8,86 ha xuống còn 6,5 ha) và chỉ còn là ga hành khách, ưu tiên phục vụ khách du lịch, còn chức năng ga hàng hóa chính được đưa về ga Vĩnh Trung. Cùng đó, "xem xét chuyển đổi một phần khu đất phục vụ hàng hóa thành khu bảo tàng kết hợp kinh doanh thương mại cùng nhà ga hành khách".
Đối với tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, có 3 ga được lựa chọn quy hoạch với những đặc điểm là có vai trò vận chuyển liên vận, có nhu cầu mở rộng tăng năng lực, có định hướng quy hoạch kết nối cảng cạn: Ga Đồng Đăng (ga liên vận quốc tế, lưu lượng đang tăng), ga Yên Trạch (ga đầu mối kết nối cảng cạn) và ga Kép (ga đầu mối kết nối cảng cạn Bắc Giang, được tạm thời khai thác liên vận quốc tế).
Với tuyến Hà Nội - Hải Phòng: Chỉ lựa chọn duy nhất 1 ga là ga Vật Cách (ga đầu mối đường sắt quốc gia phục vụ hàng hóa cảng Hải Phòng; quy hoạch theo quy mô mở rộng mà dự án đang triển khai) để thay thế chức năng ga hàng tại ga Hải Phòng.
Đối với tuyến Yên Viên - Lào Cai: 4 ga được lựa chọn với những đặc điểm có vai trò vận chuyển liên vận, giao tiếp quốc tế, có nhu cầu mở rộng tăng năng lực, có định hướng quy hoạch kết nối cảng cạn, gồm: Ga Lào Cai (ga liên vận quốc tế, giao tiếp với đường sắt Trung Quốc), ga Xuân Giao A (ga đầu mối kết nối khu mỏ Apatit Lào Cai); ga Việt Trì (ga đầu mối đường sắt quốc gia, kết nối cảng thủy nội địa Việt Trì); ga Hương Canh (ga đầu mối đường sắt quốc gia kết nối cảng cạn Vĩnh Phúc).
Nguồn: Đề xuất giảm diện tích ga Nha Trang để xây " khu bảo tàng kết hợp kinh doanh" (tapchigiaothong.vn)