Xem xét chấm dứt dự án nhà máy rác liên tục "giỡn mặt" tỉnh Quảng Ngãi

19:46 - 01/03/2021

KTNT Qua 4 lần gia hạn nhưng dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ liên tục trễ hẹn nên tỉnh Quảng Ngãi đang xem xét chấm dứt dự án.

4 lần trì hoãn

Ngày 25-2, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản thông báo kết luận của ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ dù đã qua 4 lần gia hạn nhưng vẫn chưa hoàn thành, khả năng còn tiếp tục kéo dài. Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu xuất phát từ năng lực tài chính của nhà đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng Miền Bắc không đảm bảo, dẫn đến việc thực hiện dự án trì trệ, kéo dài… Kế hoạch trong thời gian tới, cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện dứt điểm giai đoạn 1 của dự án, đồng thời tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, khảo sát đầu tư sớm 1 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tiếp theo.

4307nhamay-16142226010461950999694.jpg
Qua 4 lần gia hạn nhưng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ liên tục chậm tiến độ. Ảnh: QT

Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ việc đầu tư Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ để sớm kết thúc dự án trong khuôn khổ nhà đầu tư đã đầu tư (không tiếp tục đầu tư đối với những hạng mục công trình chưa triển khai xây dựng ngoài hiện trường). Đối với diện tích còn lại trong dự án và khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ thì xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư có đủ điều kiện, năng lực tài chính để đầu tư 1 nhà máy xử lý rác thải mới trong thời gian sớm nhất, nhằm đảm bảo xử lý hết khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh.

"Chủ trương của tỉnh là trân trọng các nhà đầu tư có năng lực thực sự để hợp tác, chia sẻ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, không thể chấp nhận và không vì lệ thuộc nhà đầu tư mà gây ảnh hưởng đến vấn đề ô nhiễm môi trường, sức khỏe của người dân" - ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh.

6.000 tỉ đồng làm 6 dự án môi trường ở TP. HCM

Nội dung trên nằm trong kế hoạch phối hợp giữa Công ty TNHH MTV Môi trường Ðô thị (Citenco) và Công ty Ðầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), nhằm mục tiêu là ứng dụng công nghệ tiên tiến để xử lý, tái chế rác thải, xanh hóa nghĩa trang.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Citenco, 6 dự án môi trường nêu trên gồm dự án hoàn thiện bãi chôn lấp số 3; dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện; dự án nghĩa trang Ða Phước giai đoạn 2; dự án di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại; dự án đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại phục vụ thu gom, xử lý rác; dự án thiết lập hệ thống thu gom và tái chế chất thải trên địa bàn TP.

Theo đó, dự án hoàn thiện bãi chôn lấp rác số 3 tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) có vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, quy mô 20 ha, công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày bằng công nghệ chôn lấp của Hàn Quốc. Dự án này sẽ khởi công trong quý I/2021 và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2021.

6-chot-1614093983149354554052.jpg
Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện tại Phước Hiệp. (Ảnh do Citenco cung cấp)

Ðây là bãi chôn lấp dự phòng nếu các bãi chôn lấp hiện hữu quá tải hay gặp sự cố phải dừng hoạt động. Lý giải về việc hoàn thiện dự án này, giám đốc Citenco cho hay năm 2015, bãi chôn lấp số 3 do Citenco xây dựng phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP, nguyên nhân không phải do bãi chôn lấp này gây ô nhiễm môi trường mà vì việc xử lý rác được chuyển về khu xử lý Ða Phước. "Việc xây dựng bãi chôn lấp số 3 thời điểm đó đạt 3/4 ô. Ðến nay, UBND TP HCM cho phép Citenco thực hiện ô số 4 còn lại" - ông Nhựt thông tin.

Cũng tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, đang xin chủ trương để xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.000 tấn/ngày, vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng, xử lý rác sinh hoạt theo công nghệ Martin của Ðức, lượng điện sản xuất sẽ hòa điện lưới quốc gia. Ngoài ra, nếu thủ tục giao đất thuận lợi thì đến cuối năm 2021, Citenco sẽ thực hiện dự án di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại (xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn) về Khu Liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp. 

Áp dụng công nghệ tiên tiến

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, mỗi ngày TP thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp) và mỗi năm tăng 10%. Việc xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp được sở này đánh giá đã lạc hậu và không phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội do đó TP đang dần thay đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện, đồng thời hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn thành 2 loại (tái chế và không tái chế) để phù hợp công nghệ đốt rác phát điện.

Tuy nhiên, tổng nguồn vốn thực hiện 6 dự án trên khoảng 6.000 tỉ đồng được đánh giá là con số không nhỏ đối với một doanh nghiệp nhà nước, vậy có cần tập trung làm cùng lúc 6 dự án? Trả lời câu hỏi này, ông Huỳnh Minh Nhựt cho rằng đó là việc phải làm ngay. Bởi đây là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp môi trường để không lạc hậu với các nước, đặc biệt bảo đảm chất lượng đầu ra theo đúng quy định. Ông Nhựt cũng cam kết tất cả dự án đầu tư của Citenco đều đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, so với Việt Nam thì các công nghệ này đều dẫn đầu, thậm chí so với các nước Ðông Nam Á cũng không thua kém.

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường Ðô thị TP HCM, dự án nghĩa trang Ða Phước giai đoạn 2 (huyện Bình Chánh, TP HCM) với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng và được xây dựng trên diện tích 46 ha với hơn 46.000 ngôi mộ. Mục tiêu của dự án này là nhằm đáp ứng nhu cầu chôn cất người quá cố, phục vụ cải táng từ nghĩa trang Bình Hưng Hòa và các nghĩa trang nhỏ nằm rải rác, xen cài trong khu dân cư ở TP

https://kinhtenongthon.vn/xem-xet-cham-dut-du-an-nha-may-rac-lien-tuc-gion-mat-tinh-quang-ngai-post40783.html