Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức chủ trì Hội thảo trực tuyến về Biển Đông

09:15 - 24/02/2021

Tiến sỹ Daniela De Ridder, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức cho biết Quốc hội và Chính phủ Đức nói chung, cá nhân bà nói riêng dành sự quan tâm rất lớn đối với tình hình an ninh Biển Đông.

Uy ban Doi ngoai Quoc hoi Duc chu tri Hoi thao truc tuyen ve Bien Dong hinh anh 1Tiến sỹ Daniela De Ridder, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, phát biểu tại hội thảo trực tuyến về Biển Đông. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Ngày 15/1 tại thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức đã chủ trì cuộc Hội thảo trực tuyến về vấn đề Biển Đông với đại diện các hội đoàn và chuyên gia người Việt tại Đức.

Tiến sỹ Daniela De Ridder, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, kiêm Phó Chủ tịch Ban phòng chống khủng hoảng dân sự, quản lý xung đột và kết nối thương mại Quốc hội Đức, chủ trì cuộc hội thảo.

Tại hội thảo, bà Ridder bày tỏ vui mừng khi hội thảo có thể diễn ra bằng hình thức trực tuyến bất chấp ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19. Bà nhấn mạnh, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ Đức nói chung, cá nhân bà nói riêng dành sự quan tâm rất lớn đối với tình hình an ninh Biển Đông.

Bà cho biết đã nhận được nhiều ý kiến của các nghị sỹ trong Quốc hội Đức về căng thẳng tại khu vực Biển Đông và rất muốn lắng nghe những đánh giá, thông tin từ cộng đồng người Việt, đại diện các hội đoàn và chuyên gia người Việt tại Đức. Bà cũng đánh giá cao nỗ lực, tình cảm của những người tham gia để cuộc họp trực tuyến có thể diễn ra tốt đẹp.

['Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình']

Về phần mình, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thoại thuộc Đại học Trier đã giới thiệu đôi nét chính về tình hình cộng đồng người Việt tại Đức cũng như nhấn mạnh sự quan tâm của cộng đồng, hội đoàn, chuyên gia trí thức đối với sự ổn định tại khu vực Biển Đông.

Giáo sư Nguyễn Văn Thoại bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian gần đây, đi trái với những quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Qua đó, ông kêu gọi các hành động cụ thể của Chính phủ Đức cũng như khối Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm căng thẳng và củng cố an ninh tại khu vực. Tại Hội thảo, Giáo sư Nguyễn Văn Thoại đã thông qua bà Daniela De Ridder gửi thư ngỏ của các hội đoàn, chuyên gia người Việt tại Đức về tình hình Biển Đông đến Quốc hội Đức.

Tại Hội thảo, Luật sư Trương Loan, Chủ tịch Hiệp hội luật gia Đức-Việt (DVJV), đã điểm qua các thông tin quan trọng liên quan đến UNCLOS 1982 và các phân cách lãnh phận phù hợp với luật pháp quốc tế; tầm quan trọng của Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) năm 2016; về tình hình bất ổn, an ninh hàng hải tại khu vực và gần đây là Công hàm về vấn đề Biển Đông của ba nước Đức, Anh và Pháp gửi Liên hợp quốc tháng 9/2020.

Uy ban Doi ngoai Quoc hoi Duc chu tri Hoi thao truc tuyen ve Bien Dong hinh anh 2Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến về Biển Đông. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh - Phó Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Kinh tế Đức-Việt, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, đã cung cấp thông tin, diễn biến phức tạp tình hình Biển Đông.

Theo ông Việt Anh, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế và khu vực cần chung tay giải quyết các vấn đề bất ổn, nêu bật tầm quan trọng về việc thông thương hàng hải, thương mại tại khu vực Biển Đông.

Ông Việt Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Đức vừa công bố trong việc đẩy mạnh trật tự thế giới đa phương dựa trên quy tắc luật pháp quốc tế và đẩy mạnh việc giữ hòa bình, an ninh và ổn định trên toàn thế giới.

Ông Việt Anh cho rằng, với hơn 2.000 tầu vận chuyển và 20% thặng dự thương mại Đức liên quan tới khu vực Biển Đông, năm 2020, Đức đã tham gia Hiệp ước hữu nghị và hợp tác khu vực Đông Nam Á và do vậy phải cam kết tìm ra các giải pháp đóng góp trực tiếp vào an ninh khu vực Biển Đông.

Cũng tại Hội thảo, bà Vũ Lâm - thành viên Ban công tác hợp tác Đông Nam Á-Đức, và ông Lê Hồng Cường - Chủ tịch Hội Tân Trào, nêu bật các hoạt động của cộng đồng, hội đoàn và người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức kể từ năm 2008 đến nay, phản đối về những hành vi sai trái trên Biển Đông, qua đó thu hút hàng nghìn người, trong đó có nhiều bạn bè khu vực ASEAN, Đức và quốc tế tham gia, ủng hộ hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Kết luận hội thảo, bà Ridder khẳng định bà sẽ cùng thảo luận với các nghị sỹ để đưa vấn đề Biển Đông ra Quốc hội liên bang Đức. Đồng thời, bà mong muốn Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức và các hội đoàn, chuyên gia người Việt tại Đức có thể tiếp tục tổ chức các hội thảo dưới các hình thức, để trao đổi về vấn đề Biển Đông./.

https://www.vietnamplus.vn/uy-ban-doi-ngoai-quoc-hoi-duc-chu-tri-hoi-thao-truc-tuyen-ve-bien-dong/689934.vnp