UBND huyện Thanh Oai thành lập Tổ kiểm tra nghi vấn “bảo kê” chợ nông sản hoạt động trái phép có thu phế tiểu thương?

19:31 - 23/12/2020

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, Hà Nội vừa ký quyết định thành lập Tổ kiểm tra chợ nông sản hoạt động sau khi Pháp luật Việt Nam phản ánh.

Theo đó, ngày 16/12, báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết: “Cần làm rõ nghi vấn "bảo kê" cho chợ nông sản hoạt động với phế "cắt cổ" các tiểu thương”?

Ngày 18/12, ông Bùi Văn Sáng- Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai ký quyết định thành lập Tổ kiểm tra làm rõ nội dung báo Pháp luật Việt Nam phản ánh về nghi vấn bảo kê cho điểm cung cấp lương thực, thực phẩm hoạt động trong khu đô thị Thanh Hà Cienco5.

Tổ kiểm tra gồm có Phó chủ tịch UBND huyện; Phó trưởng Công an huyện; lãnh đạo Phòng QLĐT; Phòng Kinh tế; Đội thanh tra xây dựng; Phòng Tư pháp; Thanh tra huyện; Văn phòng UBND huyện; Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND xã Cự Khê.

IMG_20201223_134037
IMG_20201223_134043

Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai thành lập Tổ kiểm tra sau khi  báo Pháp luật Việt Nam phản ánh.

Nội dung Tổ kiểm tra sẽ kiểm tra kiểm tra về hồ sơ hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh điểm cung cấp lương thực, thực phẩm B3.1 với tổng diện tích 3.688,8m2 hoạt động trong khu đô thị Thanh Hà Cienco5, báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam vào sáng ngày 22/12, ông Đặng Anh Phương- Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết: “Tôi rất bức xúc với điểm tập kết chợ nông sản tại đây, chính quyền địa phương không được quyền lợi gì nhưng phải giải quyết những hậu quả phát sinh về an ninh trật tự”.

“Chủ đầu tư họ tự ý làm vì khu đấy chưa được bàn giao cho địa phương quản lý, chính vì vậy mà UBND xã không thể yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt điểm tập kết thực phẩm tại đây được”, ông Phương cho hay.

Cũng theo người đứng đầu UBND xã Cự Khê: “Tôi mong các ngành chức năng sớm giải tỏa được điểm tập kết thực phẩm tại đây ngày nào thì tốt ngày đấy”.

IMG_20201223_134059
132317275_2751620165135636_2346365139739401291_n

Công văn do Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Oai ký.

Còn theo đại diện Phòng Kinh tế thì cho biết: “Phòng không hề biết việc hoạt động chợ nông sản tại đây, vì Phòng không được tham mưu lãnh đạo huyện mà chỉ có Chánh văn phòng UBND huyện ký văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty TNHH MT&XD Thái Sơn mở điểm cung cấp tạm để phân phối lương thực, thực phẩm cho người dân, công nhân làm việc tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco5”.

“Việc hoạt động chợ trong khu đô thị Thanh Hà Cienco5 không có trong quy hoạch là trái quy định pháp luật”, vị đại diện Phòng kinh tế huyện Thanh Oai cho hay.

Theo tìm hiểu của PV báo Pháp luật Việt Nam, việc Công ty TNHH MT&XD Thái Sơn ngang nhiên tổ chức điểm tập kết thực phẩm tại đây có thể là do có trong tay quyết định số 63 ngày 05/10/2018 do bà Tố Nga- Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Oai ký (hiện bà Nga đang giữ chức Chánh thanh tra huyện Thanh Oai).

132397753_1043716446133188_4013997976131316569_n

Lãnh đạo UBND xã Cự Khê cho rằng, cũng rất bức xúc về điểm tập kết nông sản này.

Cụ thể trong văn bản này nêu: Chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty TNHH MT&XD Thái Sơn mở điểm cung cấp tạm để phân phối lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhân dân, cán bộ, người lao động và công nhân lao động hiện đang sinh sống và làm việc tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco5 phục vụ thi công công trình chính tại ô đất có ký hiện B3.1.

Công ty TNHH MT&XD Thái Sơn liên hệ với các cơ quan có liên quan hoàn thiện các thủ tục cần thiết liên quan đến các điều kiện như: An ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... các nghĩa vụ khác theo quy định.

Có trách nhiệm tháo dỡ toàn bộ các công trình tạm khi hoàn thành việc thi công công trình trả lại mặt bằng như đã cam kết đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 13/7/2015 của UBND Thành phố Hà Nội.

132550702_867093520732582_3515893801534985090_n

UBND huyện Thanh Oai.

Tiếp đến là Công văn số 2697 ngày 05/6/2019 của Sở Công Thương do ông Lê Hồng Thăng- Giám đốc Sở ký gửi 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH MT&XD Thái Sơn; Công ty CPĐT& PT dịch vụ Thương mại Đại Sơn.

Trong công văn này nêu: Sở Công Thương nhất trí việc giao Công ty CPĐT& PT dịch vụ Thương mại Đại Sơn thực hiện việc duy trì quản lý mọi hoạt động của điểm cung cấp lương thực thực phẩm B3.1 với tổng diện tích là 3.688,8m2, trong quá trình hoạt động, Công ty đảm bảo tuyệt đối công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường... khi có đầy đủ thủ tục quy hoạch, Công ty sẽ đầu tư theo đúng quy định của quy hoạch phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế của khu vực huyện và đô thị.

Yêu cầu Công ty TNHH MT&XD Thái Sơn sớm hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.

Trước đó như Báo Pháp luật Việt Nam thông tin, thời gian gần đây, giới buôn bán nông sản quanh địa bàn TP Hà Nội truyền tai nhau về một khu chợ tập kết nông sản mới tại khu vực khu đô thị Thanh Hà Cienco 5.

131426621_1848623935287160_1654833593808101084_n
131661244_230732605115995_4559022616489720922_n

Chợ nông sản hoạt động suốt đêm tại xã Cự Khê.

Mặc dù sẽ phải mất số tiền lớn để được kinh doanh tại đây nhưng là khu mới nên khả năng bán được hàng sẽ có thể tốt hơn. Dù mới thành lập chưa lâu nhưng khu chợ này đang thu hút hàng trăm tiểu thương kéo về kinh doanh mỗi ngày.

Băn khoăn về một khu chợ mới không tên, chúng tôi quyết định lên đường để tìm hiểu về khu chợ này. 19h ngày 10/12 nhóm PV từ nội thành TP Hà Nội hướng thẳng về phía khu đô thị Cienco 5 Thanh Hà. Chỉ cần hỏi về khu chợ nông sản đêm, bất kỳ ai ở khu vực này cũng có thể chỉ dẫn tường tận đường đi cho nhóm PV.

Đi qua khu đô thị, phía cuối con đường đôi được cắm biển “Điểm cung cấp lương thực thực phẩm Thanh Hà” nằm khu vực giáp danh giữa xã Cự Khê và xã Khê Tang (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội).

Trái với hình ảnh heo hút của vùng ngoại ô là một khu chợ tấp nập người ra kẻ vào dần dần hiện lên trước mắt nhóm PV.

Theo quan sát bằng mắt thường có thể thấy hàng trăm xe tải các loại chở theo nhiều loại mặt hàng nông sản từ khắp các nơi đang đổ về đỗ dọc 2 bên đường. Tiếng người gọi nhau nhận hàng, mua bán ầm ĩ cả một góc trời.

131309674_398972108080942_494971724098957123_n
131353996_450806885908425_8566101650669741046_n
131339407_1069746380165709_6108625146402293945_n

Tiểu thương muốn kinh doanh tại đây đều phải đóng phế.

Đi sâu vào trong chợ, trên khu đất diện tích lên tới hàng nghìn m2 là hàng loạt những cột sắt mái tôn kiên cố được dựng lên và phân ô phục vụ gian hàng kinh doanh.

Hàng trăm các loại nông sản đa dạng không có người kiểm tra nguồn gốc, chất lượng được bày bán. Tìm hiểu được biết, khu chợ này bắt đầu hoạt động hàng ngày từ 19h tối đến 1h đêm hôm sau.

Để tìm hiểu rõ hơn về hoạt động của khu chợ này, trong vai một khách hàng muốn đến thuê chỗ kinh doanh nông sản trong chợ, PV được một tiểu thương cho biết, để được bán hàng tại đây sẽ phải đóng số tiền 8 triệu đồng cho một quý hoặc 50 triệu đồng cho đến khi nghỉ chợ.

“Bây giờ mua trong này bán làm sao được, mua ở ngoài dễ bán. Cứ đóng tiền 3 tháng 1 lần là 8 triệu, không thì mua trực tiếp là 50 triệu được mặt bằng đỗ xe bán hàng đến khi nghỉ chợ. Phía ngoài kia nốt đẹp phải 70 đến 80 triệu đồng, thấp nhất cũng phải 30 triệu” - tiểu thương này cho biết.

131312974_222037152827514_2356137286162527945_n
131286954_848108769301592_8629417026346505671_n

Chợ  nông sản hoạt động, các tiểu thương muốn kinh doanh phải đóng phế và các cấp chính quyền đang vào cuộc.

Bên cạnh đó, một tiểu thương đang bốc hàng từ trên ô tô xuống cho biết thêm, hiện tại khu chợ này gần như đã bán hết “nốt” chỉ còn mua lại của người khác. Nếu muốn mua cứ gặp trực tiếp ông Trưởng ban quản lý chợ hỏi là được.

Như vậy, theo quan sát bằng mắt thường của PV đếm nhanh có thể thấy, bên trong khu chợ này có tới hàng trăm vị trí được phân ô để bán cho các tiểu thương.

Tính nhanh mức phí phải đóng có thể thấy số tiền mỗi năm khu chợ này thu được qua việc bán chỗ cũng đã lên tới nhiều tỷ đồng. Vậy số tiền đó sẽ rơi vào tay ai và được quản lý ra sao?

Một tài xế xe tải chở hàng đến đây cho biết thêm, nếu xe dừng ngoài đường hạ hàng hóa xuống thì sẽ không mất gì còn muốn vào trong chợ hạ hàng sẽ phải mất thêm 30.000đ cho một xe.

“Khu chợ này nằm phía cuối con đường đi ngang qua khu đô thị Thanh Hà. Việc hàng trăm các loại xe tải chở hàng kéo nhau về kinh doanh đi ngang qua khu đô thị khiến chúng tôi rất lo lắng về tình hình an toàn giao thông trong khu vực” – anh T một cư dân khu đô thị Thanh Hà chia sẻ.

Trước thực trạng trên, dư luận đặt ra câu hỏi liệu khu chợ nông sản này có được phép hoạt động hay không? và cá nhân hay tổ chức nào đứng ra thu phế của các tiểu thương rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng TP Hà Nội.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/ubnd-huyen-thanh-oai-thanh-lap-to-kiem-tra-nghi-van-bao-ke-cho-nong-s