Thí điểm cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến, "chậm" vì sao?

15:48 - 12/10/2021

Nhiều địa phương cho rằng, để có triển khai việc cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) trên toàn quốc, các sở, ngành cần có sự phối hợp, kết nối…

Trước đó, từ ngày 1/7/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý đề xuất thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 với thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại Hà Nội, Hà Nam.

thutucdoigiaypheplaixekhactinh06

Ảnh minh họa.

Việc cấp đổi GPLX trực tuyến là dịch vụ công thứ 725 mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG), tạo điều kiện để người dân không phải đến các địa điểm liên quan để đổi GPLX.

Dịch vụ giúp người dân thực hiện thủ tục đổi GPLX qua mạng, theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình; tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức đi lại so với phương pháp truyền thống và chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất: dichvucong.gov.vn, bằng một tài khoản duy nhất, kết nối với các dữ liệu bộ, ngành khác, người dân có thể hoàn thiện được thủ tục của mình nhanh chóng.

Quá trình thí điểm đã kết nối dữ liệu của ngành Y tế. Cụ thể, đã có 10 cơ sở y tế tham gia khám sức khỏe điện tử (3 bệnh viện tại Hà Nội và 7 cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nam) và đã kết nối với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ phạm vi toàn quốc với Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an).

Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã mở rộng dịch vụ công trực tuyến đổi GPLX trên CDVCQG tại tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nam, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn

Ngày 24/9/2021 vừa qua, TCĐBVN đã chuyển giao phần mềm, hướng dẫn vận hành cho 63 Sở GTVT, chính thức sử dụng dịch vụ từ ngày 27/9/2021.

Để thực hiện thành công, Tổng cục sẽ tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX trên Cổng DVCQG để người dân biết và sử dụng. Tháng 12/2021, TCĐBVN sẽ đánh giá, báo cáo kết quả để Bộ GTVT xem xét, triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc từ năm 2022.

Để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX trên CDVCQG tại 63 địa phương, TCĐBVN đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố cung cấp dữ liệu quản lý trên CDVCQG để việc triển khai dịch vụ được thuận tiện, hiệu quả.

Cần sự “kết nối” giữa các ban ngành

Sau hơn 1 năm bắt đầu thí điểm, đến thời điểm này, số lượng hồ sơ đăng ký và số GPLX được cấp, đổi còn khá thấp. Nguyên nhân là do số cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe điện tử được tích hợp với CDVCQG chưa nhiều. Yêu cầu số chứng minh thư hoặc căn cước công dân khi đăng ký số điện thoại và trong cơ sở dữ liệu GPLX phải cùng số. Bên cạnh đó, thủ tục nộp và hoàn tiền qua tài khoản còn khó khăn.

trinh-tu-thu-tuc-doi-bang-lai-xe-doi-giay-phep-lai-xe-moi-nhat

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Chiều ngày 12/10, trao đổi với phóng viên Tòa soạn Pháp luật Plus, ông Đặng Văn Lương – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận (GTVT) tải tỉnh Lào Cai cho biết, chủ trương cấp đổi GPLX bằng hình thức trực tuyến của Bộ rất hay và rất tốt. Tuy nhiên, quá trình triển cai cần chú trọng đến hai vấn đề là phải đảm sự bảo kết nối. Kết nối ở đây bao gồm cả đường truyền chất lượng cao của Cổng dịch vụ công và kết nối giữa các đơn vị liên quan.

Theo ông Lương, giữa Sở Y tế với giao thông để ngay khi có giấy báo kết quả khám sức khỏe, nếu lái xe đồng ý, Sở Y tế sẽ gửi kết quả khám cho Sở GTVT, điều này có thể giúp rút ngắn thời gian làm và tinh giản thủ tục cho người làm.

Bên cạnh đó, khâu tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh và triển khai rộng khắp để người dân, lái xe biết được chủ trương, đường lối, có như vậy, người dân, lái xe mới biết được mà hoàn thiện thủ tục…., ông Lương nói.

Cùng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Văn Hiệp  - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho rằng, tỉnh Bắc Ninh theo tinh thần của Bộ GTVT, TCĐBVN và chỉ đạo của Chính phủ cũng đã lên kế hoạch và đang triển khai thí điểm cấp đổi GPLX bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, điều kiện để thực hiện được chủ trương này sẽ phụ thuộc nhiều vào giấy khám sức khỏe điện tử. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam là đã cấp đổi GPLX bằng hình thức trực tuyến.

Tỉnh Bắc Ninh cũng đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Tư pháp về vấn đề Công chứng sức khỏe điện tử để làm cơ sở triển khai chủ trương này trong thời gian tới…, ông Hiệp cho biết.

Mặt khác, để có thể tiến hành cấp đổi GPLX bằng hình thức trực tuyến thì mỗi người dân khi có nhu cầu làm cũng cần có điều kiện thanh toán điện tử, không thanh toán bằng tiền mặt, có như vậy, việc triển khai mới đảm bảo được, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh chia sẻ thêm.

Trong năm nay, sau khi triển khai thí điểm cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến tại 12 địa phương trong năm 2021, TCĐBVN sẽ báo cáo kết quả để Bộ GTVT nhân rộng thực hiện trên toàn quốc từ năm 2022.

Gia Hải

 

https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/thi-diem-cap-doi-giay-phep-lai-xe-truc-tuyen-cham-vi-sao-d168473.html