Thái Bình: Cần hướng dẫn để giải quyết chế độ cho 700 cựu TNXP?

10:18 - 18/04/2021

Theo Sở LĐ,TB&XH Thái Bình, do không xác định được những cựu TNXP làm nhiệm vụ tại Đắk Lắk trực tiếp phục vụ kháng chiến nên không thể giải quyết chế độ.

Liên quan đến sự việc hơn 700 cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có đơn đề nghị được giải quyết chế độ chính sách và cần một tấm thẻ Bảo hiểm y tế để an hưởng tuổi già, phóng viên Pháp luật Plus đã có dịp gặp gỡ những người trong cuộc để nghe những tâm tư, nguyện vọng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Trúc, trú tại thôn Nội Thôn, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà cho biết: Năm 1976, ông được Nhà nước điều động đi làm nhiệm vụ tiền trạm, phát triển kinh tế mới tại tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, khi vào đến Đắk Lắk, do tình hình bất ổn tại vùng biên giới Tây Nam, ông được huy động tham gia tại chiến trường này.

Theo ông Trúc, do tuổi cao sức yếu nên ông thường xuyên phải vào viện thăm khám do bệnh tật. Cách đây không lâu, gia đình ông phải đưa ông đi cấp cứu tại Hà Nội do bản thân đã mắc bệnh phổi từ nhiều năm. Việc chữa chạy tốn rất nhiều chi phí nhưng bệnh tình vẫn chưa được cải thiện. Hiện tại, ông chỉ mong có được một tấm thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) để san sẻ gánh nặng cho gia đình.

2222

Rất nhiều cựu thanh niên xung phong hiện mang trong mình nhiều căn bệnh, có nguyện vọng được giải quyết chế độ để có tấm thẻ BHYT. 

Cùng hoàn cảnh với ông Trúc, bà Nguyễn Thị S. cũng cho biết, năm 1976 bà cũng được huy động vào Đắk Lắk, sau đó cũng được phân công trực tiếp làm nhiệm vụ phục vụ chiến tranh. Bản thân bà giờ cũng mang trong người nhiều căn bệnh, chỉ có nguyện vọng được giải quyết chế độ chính sách để giảm bớt gánh nặng về kinh tế.

Cũng tại buổi gặp gỡ, còn có hơn 10 cựu TNXP có hoàn cảnh tương tự, hầu hết mỗi người đều mang trong mình một căn bệnh, việc phải nhập viện không phải là điều hiếm thấy.

Liên quan đến sự việc, phóng viên Tòa soạn Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với đại diện sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB và XH) tỉnh Thái Bình.

Tại buổi làm việc, bà Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công - Sở LĐ,TB và XH tỉnh Thái Bình cho biết: Chế độ, chính sách dành cho TNXP được quy định cụ thể theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chế độ chính sách dành cho các cựu TNXP tham gia trước và sau ngày 30/4/1975 là khác nhau.

Những cựu TNXP tham gia trước và sau ngày 30/4/1975 nhưng trực tiếp tham gia kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ theo Quyết định như: trợ cấp, BHYT, an táng phí….

Năm 1976, các cụ được điều động đi làm nhiệm vụ tiền trạm, phát triển kinh tế mới tại tỉnh Đắk Lắk, nhưng do tình hình bất ổn tại vùng biên giới Tây Nam nên lại được huy động phục vụ chiến tranh.

Năm 1976, các cụ được điều động đi làm nhiệm vụ tiền trạm, phát triển kinh tế mới tại tỉnh Đắk Lắk, nhưng do tình hình bất ổn tại vùng biên giới Tây Nam nên lại được huy động phục vụ chiến tranh.

Còn lại, những cựu TNXP tham gia sau ngày 30/4/1975 nhưng không trực tiếp tham gia kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế sẽ không được hưởng đầy đủ chế độ chính sách mà chỉ được hưởng chế độ 1 lần. Như vậy, các cựu TNXP này cũng không thuộc diện được hưởng BHYT theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTG.

Trước đó, như Pháp luật Plus đã thông tin, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã “ghi nhận những cống hiến của lực lượng lao động tiền trạm tỉnh Thái Bình tại Đắk Lắk  thời kỳ 1976 - 1980” trong hai công văn số 4399/UBND-VX ngày 27/10/2008 và 4257/UBND-VHXH ngày 1/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định: “Nguyện vọng của anh, chị, em trình bày là chính đáng; Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình nghiên cứu, xem xét, ghi nhận công lao đóng góp và giải quyết các chính sách theo Quyết định số 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/11/2011 để anh chị em đỡ thiệt thòi.”

Về việc này, bà Hạnh cũng cho biết, dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có hai công văn số 4399/UBND-VX ngày 27/10/2008 và 4257/UBND-VHXH ngày 1/8/2012, nhưng chúng tôi không có danh sách thể hiện những cựu TNXP của tỉnh Thái Bình làm nhiệm vụ tại Đắk Lắk đã trực tiếp phục vụ kháng chiến. Vì vậy, không thể giải quyết chế độ cho các cựu TNXP này.

Mặt khác, năm 2016, UBND tỉnh Thái Bình đã xem xét, giải quyết chế độ chính sách đối với những TNXP sau năm 1975. Mỗi cựu TNXP đã nhận được số tiền là 2.500.000 đồng.

66666

Theo bà Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công - Sở LĐ,TB và XH tỉnh Thái Bình khẳng định, không thể giải quyết chế độ cho các cựu TNXP này.

Do đó, để làm thủ tục chế độ chính sách theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ thì chế độ dành cho các cựu TNXP đi tiền trạm, chúng tôi cũng cần phải được cấp trên hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.

Trước đó, Tòa soạn Pháp luật Plus đã thông tin, ông Nguyễn Ngọc Vận, trú tại xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - đại diện cho hơn 700 cựu thanh niên xung phong (TNXP) về việc xin hưởng chế độ chính sách theo quy định nhưng hơn 10 năm vẫn chưa được giải quyết.

Ông Vận là Chủ tịch hội Cựu TNXP xã Tây Đô - Trưởng ban liên lạc truyền thống Đoàn 5 Đắk Lắk tổng đội Thái Bình.

Năm 1976, ông Vận cùng hàng trăm đồng đội khác đã lên đường đi xây dựng cơ sở ban đầu ở các vùng biên giới Tây Nam. Đến năm 1979 thì xảy ra chiến sự tại biên giới, đội TNXP tỉnh Thái Bình được tỉnh Đăk Lăk điều động ra mặt trận biên giới.

Cũng theo đại diện Ban liên lạc của hội cựu TNXP huyện Hưng Hà, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, các thành viên của đội TNXP tỉnh Thái Bình từng vào Đắk Lắk làm nhiệm vụ tuổi tác đều đã cao. Không ít đồng đội của ông Vận đã mắc bệnh và qua đời. Bản thân ông Nguyễn Ngọc Vận cũng không may mắc phải bệnh về phổi, đau ốm nhiều năm, giờ cũng không còn khả năng lao động.

Từ năm 2008, Ban liên lạc hội cựu TNXP huyện Hưng Hà đã nhiều lần gửi văn bản đến các cấp, các sở ban ngành đề nghị xem xét giải quyết chế độ như: Bộ Nội vụ; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Nhân dân, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội cựu TNXP tỉnh Thái Bình...

Sau đó, một số cơ quan đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Bình xem xét giải quyết chế độ chính sách cho các cựu TNXP tại huyện Hưng Hà.

Ngày 24/7/2017, UBND tỉnh Thái Bình đã có Công văn số 2781/UBND-TCD với nội dung chuyển đơn đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội cựu TNXP tỉnh xem xét giải quyết theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay, hơn 700 cựu TNXP vẫn chưa được hưởng chế độ theo chính sách của Đảng và Nhà nước.

“Anh em chúng tôi có đủ văn bản chứng minh là người có công với đất nước và chính là lực lượng TNXP sau thời kỳ giải phóng, đã đòi hỏi làm đơn trình các cấp trong tỉnh. Ngoài phần trợ cấp đã được giải quyết năm 2016, chúng tôi không được hưởng Bảo hiểm Y tế kèm theo. Chúng tôi là những người đã cống hiến cả tuổi trẻ cho đất nước nhưng không được hưởng theo đúng chế độ nên cảm thấy vô cùng thiệt thòi,” ông Vận cho biết.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin

https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/thai-binh-can-huong-dan-de-giai-quyet-che-do-cho-700-cuu-tnxp-d153250.html