Tâm lý người tiêu dùng Đức phục hồi sau "cú sốc" phong tỏa do dịch

09:17 - 26/02/2021

Kết quả thăm dò cho thấy chỉ số tinh thần của người tiêu cùng Đức trong tháng Hai này đã tăng từ mức -15,5 điểm lên -12,9 điểm so với tháng trước đó.

Tam ly nguoi tieu dung Duc phuc hoi sau Người dân thư giãn bên dòng kênh Landwehr ở Berlin, Đức ngày 24/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo kết quả cuộc thăm dò của viện GfK công bố ngày 25/2, tinh thần của người tiêu dùng Đức đang trở nên tích cực hơn tại thời điểm Đức chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng tránh dịch bệnh COVID-19 trong vài tuần tới.

Kết quả thăm dò cho thấy chỉ số tinh thần của người tiêu dùng Đức trong tháng Hai này đã tăng từ mức -15,5 điểm lên -12,9 điểm so với tháng trước đó. Đây là lần tăng đầu tiên của chỉ số này kể từ tháng 10/2020.

Chuyên gia về người tiêu dùng của Gfk, Rolf Buerkl nhận định người tiêu dùng nước này đang phục hồi dần từ cú sốc mà họ gặp phải sau lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng từ giữa tháng 12/2020.

Theo ông, số ca nhiễm mới theo ngày giảm cùng với việc chính phủ mở rộng chương trình tiêm chủng đã "nhen nhóm" hy vọng các biện pháp khống chế dịch bệnh sớm được nới lỏng.

Theo lệnh phong tỏa bổ sung, Đức đã đóng cửa các nhà hàng, quán rượu, phòng tập thể thao, các trung tâm văn hóa hồi tháng 11 năm ngoái trước khi đóng cửa trường học và các cửa hàng cung cấp dịch vụ không thiết yếu vào tháng 12. Các biện pháp này đã cho thấy rõ hiệu quả phòng chống dịch khi số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm dần, và trong tuần này, nhiều trường học ở Đức đã mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia đặc biệt lưu ý tỷ lệ lây nhiễm tại Đức tạm ổn định, song vẫn có thể tăng trong những ngày tới do lo ngại nguy cơ lây lan từ những biến thể của SARS-CoV-2.

Cuộc thăm dò dư luận của GfK được thực hiện với sự tham gia của khoảng 2.000 người, và ngày càng có nhiều người cho biết họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trong tháng này.

[Số ca nhiễm biến thể mới virus SARS-CoV-2 ở Đức tăng mạnh]

Một yếu tố nữa hỗ trợ cho tinh thần của người tiêu dùng Đức là triển vọng kinh tế Đức cũng như thu nhập của người lao động nước này khi nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa xuất khẩu của Đức tăng cao.

Dự kiến, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến 16 bang sẽ nhóm họp vào ngày 3/3 tới để thảo luận về việc có hay không nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch hay siết chặt hơn nữa để làm chậm tốc độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, Tập đoàn tái bảo hiểm của Đức Munich Re cho biết dịch COVID-19 đã khiến lợi nhuận của công ty giảm sút trong năm 2020, song công ty này hy vọng những ảnh hưởng này sẽ trở nên "nhỏ hơn" trong năm 2021.

Theo báo cáo lợi nhuận công bố ngày 25/2, công ty này trong năm 2020 đạt lợi nhuận ròng 1,2 tỷ euro (1,5 tỷ USD), giảm so với mức lợi nhuận 2,7 tỷ USD của năm 2019. Trong năm 2020, công ty này đã phải chi trả 3,4 tỷ USD cho các đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Tuy nhiên, công ty này vẫn lạc quan cho rằng tác động của đại dịch sẽ "nhỏ hơn đáng kể" trong năm nay và công ty có thể đạt lợi nhuận ròng 2,8 tỷ USD trong năm 2021./.

https://www.vietnamplus.vn/tam-ly-nguoi-tieu-dung-duc-phuc-hoi-sau-cu-soc-phong-toa-do-dich/696716.vnp