Sau lũ lụt, cam rụng kín gốc, rau xanh tăng “phi mã”

20:37 - 08/11/2020

Ảnh hưởng của 2 đợt mưa lũ kéo dài khiến hàng trăm hecta cam đến kỳ thu hoạch ở các địa phương như Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê, Vũ Quang... (Hà Tĩnh) bị thối rụng.

Các vùng trồng rau trên địa bàn cũng bị thiệt hại nặng nên nguồn cung rau xanh cho thị trường thiếu hụt, giá tăng chóng mặt.

t22.jpg
Cam rụng kín gốc sau mưa lũ.
 

Xót xa nhìn cam rụng kín gốc

Toàn huyện Vũ Quang có khoảng 2.540ha cam các loại, trong đó có 1.800ha đã cho quả. Trước mưa lũ, theo đánh giá của ngành chuyên môn, năng suất cam bình quân trên địa bàn đạt khoảng 10 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 18 nghìn tấn (tăng 19% so với năm 2019), nếu bán được mức giá bình quân khoảng 25.000 đồng/kg thì năm nay, nông dân Vũ Quang sẽ thu về khoảng 450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do 2 đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, trên địa bàn huyện có hơn 3.000 tấn cam bị rụng; tại các vườn hộ, tỷ lệ rụng khoảng 15-20% tổng số quả trên cây.

Ông Đoàn Quốc Hoài, thôn 1, xã Quang Thọ, cho biết: “Để bảo vệ vườn cam trước diễn biến phức tạp của bão số 9, thay vì để đến vụ mới tập trung thu hoạch như năm ngoái, năm nay, gia đình tôi đã huy động nhân lực thu hoạch sớm và chủ động liên hệ với thương lái xuất bán hơn 4 tấn cam với giá 25 - 30 nghìn/kg”.

Cũng theo ông Hoài, đợt mưa lũ kéo dài vừa rồi do không chủ động các phương án ứng phó từ trước nên vườn cam rụng hơn 3 tấn, thiệt hại gần 100 triệu đồng.

Tình trạng cam bị thối rụng sau đợt mưa lớn vừa qua còn diễn ra ở nhiều địa phương ở Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc.

 “Mưa lớn liên tục nhiều ngày khiến vườn cam của chúng tôi bị thối rụng ước  khoảng 10 tấn quả. Dù giá rẻ nhưng cố vớt vát bán cho thương lái được đồng nào hay đồng đó”, ông Đặng Văn Việt ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc (Can Lộc)  cho biết.

Ông Nguyễn Trường Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũ Quang, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cam rụng hàng loạt ngoài do thời tiết bất thường, mưa kéo dài nhiều ngày, xen với đó là những ngày nắng to. Việc thay đổi thời tiết đột ngột khiến cây bị sốc nhiệt, quả cam bị sốc nước, nhất là các cây cam có sức đề kháng kém. Hơn nữa, độ ẩm cao, tạo thuận lợi cho nấm thối quả phát triển, dẫn đến quả bị rụng.

“Ngay sau khi có hiện tượng cam rụng, phòng đã xuống kiểm tra thực tế, đồng thời hướng dẫn người dân vệ sinh vườn cây. Theo đó, toàn bộ số quả rụng sẽ được thu gom, chôn lấp để tránh lây lan nấm mốc sang số quả còn lại trên cây. Đồng thời, không để cam thối gây nấm mốc, làm chua đất gây ảnh hưởng đến vụ năm sau”, ông Thọ nói.

t22a.jpg
Vườn của gia đình ông Đặng Văn Việt (Thượng Lộc - Can Lộc) lấp đầy gần 10 tấn cam rụng.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Hà Tĩnh, cho biết: Sau đợt mưa lớn vừa qua, một số địa phương có diện tích trồng cam trong tỉnh đã phản ánh về hiện tượng cam sắp thu hoạch bị thối rụng. Hiện, chưa có báo cáo thống kê cụ thể thiệt hại ở từng địa phương nhưng ước tính có hàng trăm hecta cam bị ảnh hưởng (diện tích trồng cam cả tỉnh khoảng 7.000ha).

“Trước mắt, Chi cục đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo gửi đến các đơn vị liên quan tại các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ bà con biện pháp phòng trừ các loại bệnh tấn công cam sau mưa lũ nhằm giúp người trồng cam giảm thiểu thiệt hại”, ông Hà nói.

Rau màu tan hoang, giá cả leo thang

Không chỉ có cam rụng, giá rẻ, đợt mưa lũ vừa qua, đã khiến 100% vườn hộ  trồng rau ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà) bị ngập chìm trong nước từ 1m đến hơn 1,5m. Toàn bộ diện tích rau màu đến thời kỳ thu hoạch do bị ngập úng đã bị hư hỏng hoàn toàn, không thể khôi phục, thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng.

t23.jpg
Mặt hàng rau xanh tăng gấp đôi so với thời điểm trước mưa lũ.

Theo đó, toàn xã Tượng Sơn có 300 hộ sản xuất rau, mang lại nguồn thu lớn, chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập của xã. Vụ đông 2020, Tượng Sơn đã triển khai sản xuất các loại rau, củ, quả trên tổng diện tích 65ha.

Ông Bùi Đức Văn, Phó chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, cho biết, ngay sau khi nước rút, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã đến động viên, cùng hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, động viên nhân dân khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc khôi phục diện tích rau màu vụ đông đối với bà con nông dân Tượng Sơn cũng cần phải có thời gian nhất định, đặc biệt là rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành về giống, phân bón…

Mưa lớn nhiều ngày khiến giao thông bị chia cắt, các vùng trồng rau bị thiệt hại nặng nên nguồn cung rau xanh cho thị trường Hà Tĩnh thiếu hụt, giá tăng chóng mặt.

“Những ngày mưa lũ, nguồn rau xanh không được đa dạng như thường lệ, trong khi đó, giá cả tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường nên tôi chỉ mua được một ít về ăn trong ngày”, chị Phan Thị Hà, phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) cho biết.

t23a.jpg
Đợt mưa lũ vừa qua, 100% diện tích rau màu của xã Tượng Sơn bị hư hỏng hoàn toàn.

Theo chị Hoàng Thị Mai, tiểu thương chợ Vườn Ươm, giá rau các mặt hàng khác vẫn ổn định, giá rau xanh tăng nhanh vì giao thông bị chia cắt, gần như không thể nhập được hàng từ các tỉnh khác, nhiều vùng trồng rau của Hà Tĩnh cũng đang ngập chìm trong nước nên chợ chỉ được vài hàng rau mở bán.

Tại các siêu thị lớn ở TP Hà Tĩnh, rau xanh không chỉ cung cấp cho người dân trên địa bàn mà còn phục vụ công tác cứu trợ nên có những thời điểm rơi vào tình trạng thiếu hụt và chờ bổ sung hàng lên kệ. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, giá các mặt hàng rau xanh cũng tăng gấp đôi so với thời điểm trước mưa lũ.

Theo ghi nhận ở chợ Nghèn (thị trấn Nghèn, Can Lộc), các loại củ cải, su su, cà rốt, bí xanh có giá 25 - 30 nghìn đồng/kg, rau cải ngọt, cải xanh, cải bẹ 30 nghìn đồng/kg, rau muống, rau cải 15 nghìn/bó… Theo chia sẻ của người dân, không chỉ giá tăng cao mà hàng cũng rất ít, khó mua.

https://kinhtenongthon.vn/sau-lu-lut-cam-rung-kin-goc-rau-xanh-tang-phi-ma-post38875.html