Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11): Hà Giang phát triển bền vững các giá trị di sản văn hóa phi vật thể

19:27 - 23/11/2020

Hà Giang là địa bàn sinh sống của đông đồng bào dân tộc thiểu số với sự đa dạng, độc đáo, đặc sắc về văn hóa, trong đó nhiều di sản được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh. Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, ngành Văn hóa và Thể thao luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng v

cung1

Các nghệ nhân tiến hành nghi thức cúng tế Bàn Vương tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, Hà Giang con có thế mạnh đặc biệt về tiềm năng du lịch, có vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch cả nước. Với vị trí thuận lợi là điểm cực Bắc của Tổ quốc, nơi giao thoa tiếp giáp giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, đồng thời là điểm chung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Tây Bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Hà Giang là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc với sự đa dạng, độc đáo, đặc sắc về văn hóa, trong đó nhiều di sản được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3 bảo vật Quốc gia được công nhận; 56 di tích, danh thắng được xếp hạng; 20 DSVHPVT được đưa vào danh mục DSVHPVT Quốc gia. Mới nhất, ngày 30/9, Bộ VH,TT&DL đã có Quyết định đưa Lễ hội nhảy lửa của người Dao Đỏ tỉnh Hà Giang vào Danh mục DSVHPVT; có 18 cá nhân được Chủ tịch nước công nhận phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa dân gian. Cùng với đó là hành nghìn hội viên Hội Nghệ nhân dân gian (NDDG) từ cấp tỉnh, huyện cho đến xã. 

Bước đầu, các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trên địa bàn tỉnh được khai thác, phát huy giá trị, trở thành nguồn lực, sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Có thể kể đến các lễ hội như: Lễ Cấp Sắc của dân tộc Dao; Lễ Hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày, cúng Thần rừng của dân tộc Dáy, Nùng và đặc biệt là Lễ Hội Chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc); Lễ hội hoa Tam Giác Mạch, Fesstival khèn Mông. Đặc biệt nhất và cũng là tiêu biểu nhất là Chợ Tình Khau Vai - một hiện tượng văn hóa đặc sắc không những đối với Việt Nam mà trên cả thế giới.

Ngoài ra, hệ thống chợ phiên tại vùng cao Hà Giang cũng là không gian lưu giữa và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Lô Lô, Giáy, Tày...

1_3

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang (ảnh trên) chia sẻ, dù có nhiều thành tựu nhưng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh nói riêng trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa của địa phương. Một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Việc phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong các lễ hội truyền thống còn hạn chế. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, các cơ chế, chính sách về lĩnh vực quản lý di sản văn hóa phi vật thể chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; đội ngũ chuyên gia xây dựng mô hình bảo tồn di sản văn hóa lễ hội cộng đồng còn thiếu. Chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nhà nghiên cứu có công nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, tổ chức truyền dạy kỹ năng, bí quyết và quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gặp nhiều khó khăn.

Vì sự phát triển bền vững

sadasfadf

Hội thi “Tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc” cho học sinh huyện Vị Xuyên

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thời gian qua, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích; làng truyền thống dân tộc; phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Unesco - Cao nguyên đá Đồng Văn; xây dựng và phát triển các tour, tuyến, điểm, khu du lịch, các làng văn hoá du lịch cộng đồng gắn với những nét đặc trưng trong đời sống đồng bào các dân tộc; khôi phục các lễ hội dân gian truyền thống. Giai đoạn 2019-2020, tỉnh Hà Giang đã có 2 DSVHPVT được Bộ VHTT&DL công nhận là DSVHPVT Quốc gia là “Nghề chạm bạc của người Nùng, xã Pờ Ly Ngài, xã Nàng Đôn (Hoàng Su Phì) và “Lễ Nhảy lửa của dân tộc Dao” xã Thượng Sơn (Vị Xuyên); các DSVHPVT đang được được hoàn thiện trình Bộ VHTT&DL đánh giá công nhận DSVHPVT Quốc gia như “Lễ Cầu mùa” của người Cờ Lao đỏ, xã Túng Sán và “Lễ cúng Bàn Vương” của người Dao đỏ, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì); Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ”, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), “Lễ Cầu mùa” của người Pà Thẻn, xã Tân Lập (Bắc Quang)…

Ngành chức năng thực hiện phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy DSVHPVT tại các địa phương; thực hiện tốt Đề án “Giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020”.

lecung

Cúng tế trời đất tại Lễ hội Lồng Tồng xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang khẳng định, trong thời gian tới ngành và địa phương tập trung tổ chức điều tra, thống kê các nghệ nhân, câu lạc bộ đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh; triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trên địa bàn tỉnh; biên soạn tài liệu để bảo tồn, lưu truyền và làm cho các di sản tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu của tỉnh về các di sản văn hóa phi vật thể

Mô hình phát triển hội Hội NNDG tại Hà Giang đang là điểm sáng về công tác bảo tồn và phát huy DSVHPVT trong cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 188 Hội NNDG cấp xã, 1 tổ chức hội cấp huyện với 9.088 hội viên. Các tổ chức hội đã phân nhóm (lĩnh vực) để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn, phù hợp với vai trò từng hội viên, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực: Tín ngưỡng dân gian; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian; truyền dạy và làm nghề truyền thống. Các hội viên đều là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các nghệ nhân đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Các hội viên tích cực tham gia thành lập những câu lạc bộ, lớp dạy chữ nho, sáng tác thơ, nhạc, truyền dạy văn hóa dân gian. Trực tiếp đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học, trở thành lực lượng nòng cốt truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội truyền thống cho thế hệ trẻ.

cho tinh khau vai

Lễ hội Chợ tỉnh Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang hấp dẫn đông đảo du khách

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cũng cho biết thêm, trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, ngành văn hóa chú trọng huy động các nguồn lực xã hội; nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về giá trị di tích cho cộng đồng sở tại để cùng có trách nhiệm bảo vệ. Đồng thời, đào tạo tại chỗ những người dân có tay nghề, hiểu biết về di tích để trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn hoặc hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm; khuyến khích cộng đồng tạo ra những sản phẩm đặc thù của địa phương để phục vụ du khách, góp phần nâng cao đời sống người dân sở tại. Phát huy giá trị văn hóa bản làng từ đó phát triển du lịch cộng đồng để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, làm cho đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh, vừa bảo tồn di sản văn hóa truyền thống vừa góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân đồng thời xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo cho du khách các chương trình du lịch đa trải nghiệm.

https://vanhien.vn/news/nhan-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-23-11--ha-giang-phat-trien-ben-vung-cac-gia-tri-di-san