Ngành GTVT chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động vận tải phòng chống dịch

07:07 - 06/04/2021

Tạp chí GTVT - Có thể khẳng định, không có ngành nào chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19 như ngành GTVT. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ động các giải pháp ứng phó với đại dịch nhất là trên lĩnh vực hoạt động vận tải khách công cộng để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.

1
Sân bay Vân Đồn đón khách theo quy trình hàng không đặc biệt

Không bất ngờ, thụ động

Đợt dịch vừa qua bùng phát trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đúng vào cao điểm vận tải Tết Nguyên đán, nhiều nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như: những người đi lao động và học tập tại nước ngoài có nhu cầu về nước; những người làm việc và tiếp xúc tại các cửa khẩu, nhà ga, bến tàu; nhân viên vận chuyển và công nhân làm việc tại các khu công nghiệp... và các đối tượng lao động tại nước ngoài, người nước ngoài lợi dụng “đường mòn, lối mở” để nhập cảnh “chui” vào nội địa..., kèm theo đó là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngành GTVT, không nằm ngoài dự đoán, khi dịch bùng phát tại Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng và có nguy cơ lan rộng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngành GTVT đã chủ động các phương án phòng, chống dịch. Bộ đã yêu cầu toàn Ngành triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, hướng dẫn phân luồng, hạn chế phương tiện đi/đến vùng dịch.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng có văn bản số 887/BGTVT-CYT chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với các yêu cầu:

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành GTVT đã chủ động, tích cực phòng, chống và nâng cao “sức đề kháng”. Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trong đợt tiêm vaccin đầu tiên cần ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao của ngành GTVT như phi công, tiếp viên và các thành viên tổ bay khác, nhân viên hàng không trực tiếp tiếp xúc với hành khách và hành lý, người điều khiển các phương tiện giao thông công cộng khác (lái xe, lái tàu...), nhân viên y tế ngành GTVT, người tham gia công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa nội dung khai báo y tế nội địa để không làm mất thời gian của hành khách (như chỉ cần các thông tin cơ bản: họ tên, số điện thoại, số hiệu chuyến bay của hành khách). Các hãng hàng không Việt Nam đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin của hành khách, hỗ trợ tích cực việc truy vết khi có trường hợp lây nhiễm Covid-19 trên chuyến bay.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm Covid-19 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển; tổ chức xét nghiệm Covid-19 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch.

rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các nhà ga hàng không, đường sắt, bến tàu, bến xe, cảng… Các đơn vị phục vụ tại các nhà ga hàng không, nhà ga đường sắt, nhân viên phục vụ tại các bến xe, bến tàu, bến cảng… phải tiếp xúc với số lượng hành khách lớn cần phải tăng cường các trang bị phòng hộ cá nhân để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nơi có nguy cơ cao như sân bay, nhà ga, bến xe, bến cảng...; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm. Tổng cục ĐBVN, sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khẩn trương cập nhật thông tin lên ứng dụng “An toàn Covid-19” để người dân thông qua ứng dụng này lựa chọn doanh nghiệp và loại phương tiện khi cần di chuyển.

Tiếp theo đó, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 01/02, Bộ GTVT ban hành văn bản hỏa tốc số 951/BGTVT-CYT chỉ đạo toàn ngành GTVT tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, nâng mức cảnh báo, cảnh giác phòng, chống dịch lên mức cao nhất, đặc biệt tại các nhà ga hàng không, đường sắt, bến tàu, bến xe… và trên các phương tiện giao thông công cộng. Bộ yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải siết chặt và củng cố các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các nơi có nguy cơ cao như nhà ga, sân bay, bến xe...

2
Điều tiết giao thông mùa dịch là nhiệm vụ được duy trì thường xuyên, liên tục, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương

Tăng cường phối hợp địa phương tổ chức vận tải an toàn

Trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh Hải Dương phải thực hiện cách ly xã hội để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục ĐBVN thực hiện việc phân luồng giao thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hải Dương để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN nghiên cứu phương án phân luồng, tổ chức giao thông vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo trong lưu thông vận tải. Các phương tiện vận tải không được dừng, đỗ, đón, trả khách tại các khu vực cách ly, phong tỏa nhưng không được ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, trước tình hình ách tắc trong lưu thông vận tải hàng hóa giữa tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng, chiều ngày 23/02, Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc số 1468/BGTVT-CYT gửi Tổng cục ĐBVN và UBND tỉnh Hải Dương, TP. Hải Phòng, đề nghị phối hợp và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Bộ giao Tổng cục ĐBVN tiếp tục khẩn trương phối hợp với Sở GTVT tỉnh Hải Dương và Sở GTVT Hải Phòng thực hiện phân luồng giao thông trên các quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hải Dương để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Cũng theo bà Hiền, Tổng cục ĐBVN đã làm việc với hai Sở GTVT Hải Phòng và Quảng Ninh để cùng tháo gỡ khó khăn trong vận tải hàng hóa, nông sản của bà con nông dân. Qua theo dõi, nhiều doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần tự giác, chủ động phòng, chống dịch cũng như đảm bảo an toàn trong vận chuyển như: chủ động xét nghiệm cho đội ngũ lái xe, tổ chức cách ly cho bộ phận lái xe, bốc xếp làm công tác trung chuyển hàng hóa từ vùng dịch ra..., đặc biệt là tinh thần “tương thân, tương ái” của đại bộ phận người dân đã cùng với cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa người dân vùng dịch, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, đồng thời làm tốt công tác vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

http://www.tapchigiaothong.vn/nganh-gtvt-chu-dong-linh-hoat-to-chuc-hoat-dong-van-tai-phong-chong-dich-d90878.html