Năm 2020, ngành GTVT biến 'nguy' thành 'cơ' ghi nhiều dấu ấn phát triển

19:24 - 23/12/2020

Tạp chí GTVT - Vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, ngành GTVT trong năm 2020 ghi dấu thành công trên nhiều lĩnh vực trong đó nổi bật là nhiệm vụ xây dựng thể chế chính sách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án và ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách thủ tục hành chính. Đây là cơ sở để ngành đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dấu ấn xây dựng thể chế

Ngay từ đầu năm 2020, với việc Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo có hiệu lực đã tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông khi chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB), đường sắt tăng nhiều mức phạt nghiêm khắc. Nghị định được sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của Luật Đường sắt năm 2017, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GTĐB, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ; điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây TNGT tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT (vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc...).

Tiếp đó, ngày 17/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng do Bộ GTVT soạn thảo. Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được ban hành phù hợp với những quy định mới của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 86 cũng như tiếp thu những bài học từ Quyết định 24 để tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho việc ứng dụng các phần mềm kết nối trong kinh doanh vận tải. Đặc biệt, Nghị định 10 đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển; thuận tiện cho nhu cầu đi lại của nhân dân, duy trì siết chặt những yêu cầu về bảo đảm trật tự ATGT trong kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Dự án sửa đổi Luật GTĐB năm 2008 và đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo và xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Việc xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về GTĐB. Xây dựng dự án Luật GTĐB (sửa đổi) có tác động đối với tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế của đất nước và dựa trên các quan điểm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật mới được ban hành; bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện quy định còn phù hợp với thực tế, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ, tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong môi trường kinh doanh, thông thoáng, bình đẳng trong lĩnh vực GTĐB; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, kinh doanh vận tải đường bộ; quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải.

nongdocon
Nghị định 100 ra đời tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác trật tự ATGT

Khởi công đại dự án, dẫn đầu về giải ngân

Một loạt dự án thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông được khởi công trong năm 2020 đánh dấu những nỗ lực của ngành GTVT trong công tác hoàn thiện thể chế. Thực hiện Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 27/7/2020 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (3 dự án thành phần gồm Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quyết định đầu tư tổ chức thực hiện theo quy định, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Xác định mục tiêu phải đẩy nhanh mọi thủ tục, đáp ứng tiến độ khởi công các dự án được chuyển đổi theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thường xuyên tổ chức họp kiểm điểm tiến độ công việc để kịp thời đưa ra các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai các dự án. Đặc biệt, để đảm bảo tiến độ, ngay thời điểm Chính phủ đề xuất Quốc hội chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án (tháng 5/2020), Bộ GTVT đã chủ động lên kế hoạch, huy động đội ngũ cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm của các cơ quan đơn vị tham mưu, các ban QLDA tập trung thời gian kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ, khẩn trương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan. Hoạt động này được thực hiện song song, đồng thời với công tác chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 dự án đó theo hình thức PPP đã được xác định tại NQ52/2017/QH14. Chính vì vậy, ngay sau khi Quốc hội, Chính phủ có Nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư, Bộ GTVT đã kịp thời thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu thuộc dự án, đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, pháp luật về đấu thầu.

Trong bối cảnh đó, thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” mà Đảng, Chính phủ chỉ đạo “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, ngành GTVT đã có những nỗ lực vượt bậc. Liên tục trong Quý III và IV, ngành GTVT luôn có tốc độ giải ngân cao hơn so với bình quân của cả nước. Năm 2020, Bộ GTVT được giao khoảng 39.826 tỷ đồng, trong đó vốn kế hoạch 6.131,4 tỷ đồng vốn nước ngoài, 29.990,8 tỷ đồng vốn trong nước và 3.704 tỷ đồng theo kế hoạch kéo dài. Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-BGTVT của Bộ trưởng, các cơ quan tham mưu của Bộ đã tiến hành rà soát, cập nhật kế hoạch giải ngân chi tiết các tháng cuối năm để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch, cũng như đáp ứng các mốc tiến độ giải ngân. Tính đến hết tháng 11, kết quả giải ngân ước đạt 32.190,514 tỷ đồng, đạt 80,83% kế hoạch giao năm 2020 cao hơn gần 10% so với tỷ lệ bình quân giải ngân bộ, ngành, địa phương cả nước. Một số dự án như: Cao tốc Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, dự án cải tạo nâng cấp sân bay Nội Bài... do Ban QLDA Thăng Long quản lý; cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh quản lý có tốc độ giải ngân cao...

Có được kết quả này, Bộ GTVT đã thực hiện kiểm soát tiến độ giải ngân hàng tuần. Mỗi tuần, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, các ban QLDA, các đơn vị có liên quan đến công tác giải ngân sẽ tổ chức họp một lần để xem xét tình hình giải ngân của từng ban. Đối với các Thứ trưởng, hai tuần sẽ họp giao ban một lần các dự án do các Thứ trưởng phụ trách. Bên cạnh đó, hàng tháng, toàn Ngành đều tổ chức họp giao ban và rà soát lại tình hình giải ngân. Với cách làm này, hàng tuần đều có số liệu giải ngân của từng cơ quan, đơn vị. Từ đó, lãnh đạo Bộ có điều kiện tập trung chỉ đạo các đơn vị chậm giải ngân; điều chỉnh nguồn vốn, bố trí cho những dự án vướng mắc sang dự án giải ngân tốt.

la son tuy loan 1
Cao tốc La Sơn - Túy Loan

Ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý ngành

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ là một trong 13 bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cổng Dịch vụ công Bộ GTVT đã duy trì hoạt động ổn định hệ thống dịch vụ công trực tuyến đối với 262 thủ tục tối thiểu mức độ 3 (trong đó có 125 dịch vụ mức độ 3, 137 dịch vụ mức độ 4). Theo đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ đạt 20% trở lên. 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; Cổng Dịch vụ công Bộ GTVT cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Bộ đã được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản Quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản trao đổi giữa Bộ với các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; hoàn thành xây dựng và cung cấp 4/6 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.

http://www.tapchigiaothong.vn/nam-2020-nganh-gtvt-bien-nguy-thanh-co-ghi-nhieu-dau-an-pha