Luận về chiếc cầu dải yếm

20:36 - 31/01/2021

Sinh ra và lớn lên ở vùng châu thổ sông Hồng, tôi cũng có một chút may mắn, được lang thang đi khắp đó đây, từng được thấy những con sông rất to lớn khác của đất nước Việt Nam vô cùng tươi đẹp của chúng mình, như sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Ba ở Tây Nguyên, sông Đồng Nai, rồi thì sông Tiền, sông Hậu thuộc vùng đất chín con rồng (Cửu Long) v.v…

Ảnh minh họa do tyasc giả tuyển chọn.

Đất nước của chúng mình quả là đất nước của sông ngòi, đầm phá, mênh mang những nước với trời một sắc xanh thắm như mơ…Bởi thế nên cũng thật dễ hiểu, khi mà trong ca dao dân ca của ông bà ta xưa có rất nhiều câu, rất nhiều bài nói về sông nước, về những sự cách ngăn đò giang trở ngại. Ngày nay, đi trên những con phà hiện đại, những cây cầu hiện đại, lại bỗng dưng bất chợt thương những cô gái ngày xửa ngày xưa vì duyện vì nợ mà phải đi lấy chồng xa, phải chịu cái cảnh cách sông cách đò, cho nên mới phải “Chiều chiều ra đứng bờ sông / Muốn về quê mẹ mà không có đò”…Lại như:


Thương anh em cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…


Thì dường như cái sự tình sâu thẳm ấy, cái nông nỗi day dứt ấy nó càng đáng thương hơn nữa! Nên chi, những ước những ao của các cô gái ngày xưa, tưởng như đơn giản thế thôi, nhưng đó lại là những khát khao cháy bỏng ngàn đời của biết bao thân phận nữ nhi mỏng manh tội nghiệp, chỉ mong sao có được một cây cầu để qua sông mà gặp gỡ người tình…


Trên cái nền hiện thực của cuộc sống vật chất ngày xưa, ngẫm cho kỹ, nghĩ cho sâu, mới thấy vỡ vạc ra một điều vô cùng lý thú, rằng đời sống tinh thần, tình cảm của người Việt xưa, chả lẽ lại không bắt nguồn từ một nền văn minh sông nước hay sao? Chả lẽ, những khát khao cháy bỏng về một cây cầu nào đó, lại không hóa thân thành nghệ thuật, thăng hoa thành nghệ thuật hay sao?...Cho nên mới thấy hiện ra một câu ca dao thế này:


Ước gì sông hẹp một gang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi…


Thực ra, cũng chả có con sông nào lại nhỏ và hẹp có…một gang (tay) như thế cả đâu. Đó chính là điều phi lý thứ nhất. Một dòng nước mà chiều ngang chỉ đo được có…một gang tay thôi, thì sao đáng được gọi là dòng sông kia chứ?


Thế nhưng, cô gái (nhân vật trữ tình trong ca dao) lại ước ao rằng con sông kia chỉ nên hẹp (hoặc rộng) có một gang thôi. Sao vậy? Câu hỏi đó sẽ là duyên cớ tạo ra điều phi lý thứ hai.


Câu tiếp theo, này nhé, nàng muốn có con sông thuộc loại “vi hẹp”, để mà tự tay nàng bắc chiếc “cầu dải yếm cho chàng sang chơi”, xét về phương diện hình thức ngôn ngữ, lại thêm một lần phi lý nữa. Quả thật, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng các kiến trúc sư ở mọi thời đại cổ kim Đông Tây lại có ý tưởng thiết kế một cây cầu bằng thứ vật liệu “siêu đặc biệt”, siêu kỳ quặc, siêu điên rồ hoang tưởng như vậy cả. Họa có mà … “chập mạch” rồi chăng? Từng nghe nói có cây cầu Ô Thước của Ngưu Lang và Chức Nữ gì đó trên trời, khả dĩ cứ cho là được, mặc dù nó chỉ là một cây cầu tồn tại trong tưởng tượng, trong huyền thuyết, trong thần thoại đấy thôi. Nhưng đó cũng là một cây cầu dẫu sao cũng được “kết cấu” bằng mây ngũ sắc, không hề nhỏ, không thể xây dựng bằng những vật liệu thông thường, như những sợi tơ tằm hoặc vải thô dệt nên cái dải yếm của các cô gái người Việt ta. Cô gái trong ca dao muốn bắc một cây cầu bằng cái dải yếm đào, yếm nâu hoặc giả là yếm xanh yếm vàng chi đó, thì hẳn nhiên phải là một cây cầu ngắn, rất ngắn. Là bởi vì cái dải yếm của các bà các cô ngày xưa, dẫu có sang trọng và bền chắc đến mấy thì cũng chỉ dài đến độ vài gang tay, hoặc hơn chút đỉnh là cùng! Trong giới hạn ấy, có lẽ cũng chỉ nên ước có con sông rộng (hoặc hẹp) “một gang” là vừa…


Chỗ này thì xem ra có lý. Tôi đồ rằng con sông ấy chắc phải là con sông tình, sông nghĩa, con sông của tấm lòng khát khao cháy bỏng, con sông của tình yêu rất ảo mà cũng lại là rất thực. Mà người con gái kia cũng thật ghê gớm lắm! Và cái điều ước kia cũng thật gớm ghê lắm! Cái mạnh mẽ liều lĩnh, cái trắng trong đắm đuối, cái chân thật mặn mà… đến đây cũng đã sáng tỏ rồi chăng? Nếu như tình yêu này mới ở giai đoạn ướm hỏi ỡm ờ, kiểu như “Đến đây mận mới hỏi đào / Vườn hồng đã có ai vào hay chưa” thì cũng chưa thể, chưa dám nói trắng phơ cái điều ý nhị tinh tế kia một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đáo để mà cũng vô cùng sâu xa và thú vị như vậy. Rõ ràng, anh chàng nào đó được cô gái mời bước qua chiếc cầu dải yếm sang chơi với nàng, phải là người đã được cô gái trao cho cái quyền được tận hưởng cái niềm hạnh phúc kỳ diệu bậc nhất trên thế gian này. Mối quan hệ của họ, tất nhiên cũng đã đến độ thâm tình, sâu sắc lắm rồi. Cho nên, nàng mới sẵn sàng cởi cái dải yếm kia ra một cách chân thành, nồng nhiệt để đem bắc cái cầu tình cảm kia mà vui vẻ đón người tình sang chơi với mình. Có nghĩa rằng nàng đã yêu hết mình, dâng hiến hết mình, chẳng phải vì ai khác, ngoài chàng…


Bây giờ thì bao nhiêu cái điều vô lý kia hóa ra hoàn toàn có lý, có thể khiến người ta chấp nhận được, bởi đó là con sông của tình yêu huyền thoại, chiếc cầu của tình yêu huyền thoại, mãi mãi là bất tử…


Đấy! Cứ bảo các cụ ta ngày xưa “âm lịch” bỏ mẹ, “quê một cục” chứ văn minh văn miếc cái nỗi gì! Hãy đọc ca dao của những người chuyên nghề cày cuốc, mới thấy các cụ ta hiện đại một cách kinh hoàng, yêu đương cháy bỏng đến độ kinh hoàng. Mà tế nhị cũng đến độ không thể chê vào đâu được! “Gió vàng hiu hắt đêm thanh / Đường xa dặm vắng xin anh đừng về / Mảnh trăng đã trót lời thề / Làm chi để gánh nặng nề riêng ai”…Đấy! Đọc mãi, nghĩ mãi, ngâm nga mãi cả ngàn đời nay, mà vẫn chưa thôi thú vị!... Còn như cái cầu dải yếm, có lẽ chả cần “quảng cáo” thêm thắt gì nữa, anh chàng nào mà chẳng muốn được bước chân sang rồi thì có thể chết ngay tại chỗ cũng cam lòng, chả khác gì thi sĩ Vạn Sở đời nhà Đường bên Tàu khi xem mỹ nữ múa trước sàn nhà mà cao hứng bật thốt lên rằng "ta ngờ hôm nay sẽ chết tại nhà nàng", chứ còn sao nữa!

https://vanhien.vn/news/luan-ve-chiec-cau-dai-yem-82151